MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo Nghị định nêu về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

VƯƠNG TRẦN LDO | 24/04/2024 09:26

Liên quan tới phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan có chức năng quản lý đất đai ở địa phương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai 2024. Theo đó, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, Chính phủ đang dự thảo Nghị định Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để hướng dẫn thi hành một số nội dung trong Luật Đất đai.

Tại Điều 3 dự thảo Nghị định có nêu về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Quy định chi tiết khoản 3 Điều 87 Luật Đất đai).

Theo đó, nội dung phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm: Tổng diện tích đất thu hồi, diện tích từng loại đất thu hồi; Tổng số người có đất thu hồi; Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm...

Phương án bố trí tái định cư: Số hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư, các khu tái định cư, địa điểm khu tái định cư, hình thức tái định cư;

Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm: Tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí khác...

Khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị định quy định về phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gồm các nội dung sau:

Họ và tên, địa chỉ (nơi thường trú và nơi ở hiện nay), số điện thoại của người có đất thu hồi và chủ sở hữu tài sản; Vị trí, diện tích, loại đất, nguồn gốc đất thu hồi; Loại tài sản, số lượng, khối lượng tài sản; chất lượng còn lại của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại;

Giá đất và tài sản tính bồi thường; Các khoản hỗ trợ: hỗ trợ ổn định đời sống (số nhân khẩu được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ); hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm (diện tích đất hỗ trợ, giá đất hỗ trợ); hỗ trợ tái định cư; các khoản hỗ trợ khác;

Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ: tiền bồi thường về đất, tiền bồi thường tài sản, tiền bồi thường chi phí di chuyển tài sản, tiền bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, tiền hỗ trợ; Vị trí, diện tích, giá đất tính tiền sử dụng đất tái định cư hoặc giá bán nhà ở tái định cư;

Vị trí, diện tích, giá đất tính tiền sử dụng đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất bị thu hồi hoặc bằng nhà ở (nếu có); Số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai (nếu có); Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ được nhận sau khi đã trừ đi tiền sử dụng đất phải nộp vào số tiền được bồi thường về đất (nếu có); Số tiền được ghi nợ tiền sử dụng đất khi được giao đất tái định cư (nếu có);

Dự thảo nghị định cũng nêu rõ, cơ quan có chức năng quản lý đất đai ở địa phương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.

Việc thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cụ thể như sau: Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gửi hồ sơ thẩm định theo quy định đến cơ quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Hồ sơ gửi thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm: văn bản đề nghị thẩm định; dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thông báo thu hồi đất; văn bản kiểm đếm, thống kê, phân loại diện tích đất thu hồi và tài sản; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất thu hồi; văn bản xác định nguồn gốc thửa đất thu hồi và tài sản gắn liền với đất; biên bản tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các giấy tờ khác có liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn