MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quản chặt tín dụng với đầu cơ, mở cửa cho doanh nghiệp có dự án tốt

CAO NGUYÊN LDO | 07/11/2022 10:00

Việc tạo điều kiện hay chọn lọc các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đủ năng lực, uy tín để cho vay là phù hợp tại thời điểm này. Đây là cơ hội để phát triển các dự án vừa tạo nguồn cung mới cho thị trường, vừa giải quyết tình trạng hàng loạt dự án đang đình trệ vì thiếu vốn.

Nguồn vốn tín dụng là “bà đỡ” cho doanh nghiệp BĐS triển khai dự án. Ảnh Cao Nguyên

Hoạt động kinh doanh bđs vẫn còn khó

Theo Bộ Xây dựng, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS thành lập mới và doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số thành lập mới là 7.124 doanh nghiệp, tăng 31,9%; số trở lại hoạt động là 1.769 doanh nghiệp, tăng 77,3%.

Bộ này cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS vẫn còn có nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý. Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ của thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu nên các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

Mặc dù lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không ít lần khẳng định trên truyền thông rằng chưa có văn bản nào chỉ đạo việc siết tín dụng hay chặn tín dụng vào BĐS. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp và chuyên gia đều lo ngại về việc khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Theo phân tích của ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc R&D DKRA Group, kiểm soát tín dụng cũng như siết chặt các quy định tiếp cận vốn bằng kênh trái phiếu khiến thị trường địa ốc rơi vào cơn khát vốn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang cạn vốn.

Bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc - Trưởng phòng phân tích khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng thừa nhận về việc các doanh nghiệp địa ốc đang tiếp cận nguồn vốn rất khó.

Trong khi đó, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quản lý thị trường BĐS là một nghệ thuật, không chỉ là kỹ thuật. Nếu quản lý không khéo, BĐS sẽ gây áp lực lại cho nền kinh tế. Vì vậy thị trường cần nhanh chóng được tiếp cận giải pháp gỡ vướng pháp lý và khơi thông nguồn vốn.

Cho vay có tính chọn lọc

Các chuyên gia và nhà chính sách cho rằng, việc nguồn vốn vào lĩnh vực BĐS đang bị hạn chế nếu không được cải thiện sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu cho thị trường này.

Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói rằng thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng đề ra như là các giải pháp liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thị trường.

Bên cạnh đó, đưa ra giải pháp về kiểm soát cơ cấu lại tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật. Người đứng đầu Bộ Xây dựng nhấn mạnh các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện thì cần tạo điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển dự án BĐS, góp phần tăng nguồn cung.

“Đối với bất kỳ loại thị trường thương mại nào, trong đó có thị trường BĐS, nguồn vốn luôn đóng có vai trò thiết yếu và hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp BĐS, là điều kiện quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…” - chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long chia sẻ.

Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội - nói, qua một số vụ việc thời gian vừa rồi, các ngân hàng thương mại đã thận trọng khi cho vay tín dụng BĐS. Điều này dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo ông Điệp, vốn vay của ngân hàng được coi là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp BĐS trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án để đến giai đoạn triển khai thu hút vốn của khách hàng. “Nhà nước không nên thắt chặt thị trường BĐS mà nên kiểm soát cho vay đối với các doanh nghiệp, đối tượng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích”, ông Điệp nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, nếu kiểm soát chặt chẽ vốn vào BĐS, có thể doanh nghiệp sẽ phải dừng lại các hoạt động đầu tư - ảnh hưởng đến chủ đầu tư, lao động cũng như các ngành nghề liên quan.

“Chúng tôi đã kiến nghị, đừng siết các chính sách tín dụng, thay vào đó hãy có chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề - đầu cơ tích trữ, mua gom đất, thổi giá… còn lại nên thúc đẩy, khuyến khích” - Phó Chủ tịch VNREA nêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn