MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc cải tạo chung cư cũ vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Hữu Huy

Quy định thời hạn sở hữu chung cư: Kéo sát giá nhà về giá trị thực

CAO NGUYÊN LDO | 23/09/2022 16:25

Góp ý về việc quy định thời gian sở hữu chung cư trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - ông Luyện Văn Phương cho biết, nếu không đặt thời hạn sử dụng chung cư thì vẫn tiếp tục không giải quyết được bài toán bế tắc trong cải tạo chung cư cũ.

Kéo giảm giá nhà

Ngày 23.9, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với sự tham gia của cơ quan quản lý các địa phương, chuyên gia, hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Vấn đề về quy định thời hạn sở hữu chung cư có lẽ được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp trong thời gian qua.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi có nhiều điểm đổi mới; trong đó, quy định thời hạn sử dụng chung cư là một đột phá. Về sâu xa, quy định này sẽ giúp người dân tiếp cận nhà chung cư tốt hơn bởi trên thực tế không có gì có thể tồn tại vĩnh viễn.

Theo ông Cường, hiện tâm lý của người dân từ xưa đến giờ vẫn là sở hữu vĩnh viễn theo kiểu tài sản tích trữ truyền đời qua nhiều thế hệ. Do đó, nếu chuyển sang sở hữu có thời hạn thì người dân sẽ phải cân đối giữa thuê và mua. Lúc đó, giá trị thực của nhà chung cư sẽ sát với giúp giá nhà giảm xuống.

Chính vì thế, vị này cho rằng đất cho xây dựng nhà chung cư cũng không thể cấp vô thời hạn. Nếu xác định sở hữu nhà chung cư có thời hạn thì đất xây dựng chung cư cũng nên là thuê có thời hạn để tương thích với nhau. Lúc đó, việc giải quyết chi phí đất và xây dựng loại hình chung cư sẽ cho mức giá hợp lý hơn.

Từ thực tế tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - ông Luyện Văn Phương đặt vấn đề, với các công trình theo quy định của Luật Nhà ở 2014 khi hết thời hạn sử dụng, xuống cấp thì sẽ xử lý ra sao.

Theo vị này, khi thực hiện cải tạo chung cư cũ, các tòa nhà này hầu hết đã là chung cư cao tầng và hết khả năng nâng thêm tầng nên sẽ không hiệu quả để thu hút chủ đầu tư vào tham gia xây mới, cải tạo.

Do đó, nếu không đặt thời hạn sử dụng chung cư thì vẫn tiếp tục không giải quyết được bài toán cải tạo chung cư cũ bế tắc lâu nay. Trong khi đó, hết niên hạn sử dụng tòa nhà nhưng vẫn có thể đấu giá đất của toàn nhà đó do họ vẫn còn quyền sở hữu đất. Thậm chí theo thời gian, lô đất đó có thể gia tăng giá trị lên rất cao.

Vẫn còn bất cập

Ngược lại, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã chỉ ra 8 bất cập khi quy định thời hạn sở hữu chung cư.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, căn hộ chung cư là tài sản có giá trị rất lớn với người dân đô thị, đa số người Việt muốn để lại cho con cháu. Sâu xa hơn, điều này còn đóng vai trò thúc đẩy chính sách khuyến khích người dân lựa chọn sống trong căn hộ cao tầng, phù hợp với Luật Đất đai yêu cầu sử dụng đất hiệu quả với quy hoạch đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 ưu tiên phát triển nhà chung cư.

Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình, có thể dẫn đến hàng loạt những bất cập, gây tâm lý bất an cho người mua căn hộ và làm xáo trộn thị trường nhà ở.

Đơn cử như tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, bởi sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính (kiểm định, gia hạn quyền sở hữu) và phát sinh thêm chi phí, tăng gánh nặng tài chính cho xã hội.

“Không nên vì vướng mắc trong nhiều năm qua mà "chữa cháy" bằng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn để Nhà nước dễ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Điều này đi ngược lại với tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài”, ông Châu nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, Bộ Xây dựng dự kiến thể chế 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trong 13 chương với khoảng 232 điều.

Việc sửa đổi luật nhằm giải quyết các bất cập và quy định rõ các nội dung để dễ thực hiện; đảm bảo đồng bộ với các luật liên quan tránh chồng chéo trong thực thi... Cùng với việc cắt giảm các thủ tục hành chính, dự thảo đề xuất “luật hóa” các quy định và giảm bớt văn bản dưới luật.

Sau giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi trong 2 tháng, dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và thông qua tại kỳ họp thứ 6. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn