MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dãy nhà trọ chật chội không thể đáp ứng đủ 8-15m2/người. Ảnh: M.Hương

Quy định thường trú tối thiểu 15 m2/người: Đừng thêm gánh nặng vô lý cho người lao động

Anh Huy LDO | 29/03/2023 06:00
Dự thảo nghị quyết về diện tích nhà ở tối thiểu đang được TP Hà Nội lấy ý kiến quy định: Người đi thuê nhà muốn đăng ký thường trú trong nội thành phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2 và khu vực ngoại thành là 8 m2. Một số chuyên gia cho rằng, thiếu thực tế, Hà Nội cần nghiên cứu thêm về hạn mức và lộ trình.

Quá sức với người lao động

Trên thực tế, tại Hà Nội, số lượng người dân từ các tỉnh về sinh sống và làm việc thuê trọ khá nhiều, đặc biệt là các gia đình trẻ. Nỗi lo của họ khi nghe thông tin về dự thảo không phải câu chuyện ở chật hay rộng, mà nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì con của những người đi thuê trọ khó có cơ hội để đi học đúng tuyến.

Việc không được đăng ký thường trú cũng sẽ dẫn đến một số bất cập, đặc biệt là các thủ tục hành chính của người dân. 

Cụ thể, một vài thủ tục thường gặp như thủ tục khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, cấp căn cước công dân... và một số thủ tục thông thường như thế chấp ngân hàng đều cần dùng đến hộ khẩu thường trú.

Anh Nguyễn Trọng Vũ (quê ở Hà Tĩnh) - nhân viên cho một công ty truyền thông trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội - tỏ ra khá lo lắng nếu dự thảo được đưa vào thực tế. Vợ chồng anh Vũ đang thuê phòng trọ tại ngõ 185 đường Kim Giang, quận Thanh Xuân có diện tích 16 m2 cho gia đình 4 người. Phòng trọ được lắp đặt nóng lạnh, điều hòa... giá thuê 2,5 triệu đồng/tháng.

“Nếu không đăng ký thường trú, 2 con chúng tôi sẽ không được đi học đúng tuyến. Học trái tuyến chi phí cao, thậm chí với tình trạng quá tải như hiện nay có thể còn không xin học được” - anh Vũ nói.

Tương tự, chị Vũ Thị Kiều (quê ở Nam Trực, Nam Định) cùng nỗi lo, bởi thu nhập tự do từ chạy xe ôm công nghệ cũng chỉ đủ thuê căn trọ 14 m2 lấy chỗ “chui ra, chui vào”. Thu nhập không đủ gửi con vào lớp tư thục, chị phải nhờ mẹ chồng xuống trông con để dành thời gian đi làm.

Không riêng gì hai trường hợp cụ thể nói trên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, các phòng trọ của công nhân và người lao động đều khó đạt tiêu chuẩn diện tích mặt sàn tối thiểu 8-15 m2/người.

Làm rõ căn cứ, cơ sở đưa ra diện tích tối thiểu

Dự thảo diện tích tối thiểu của Hà Nội được kỳ vọng giúp cải thiện tình trạng nhà ở có nhiều hộ, nhiều người chung hộ khẩu cùng một địa chỉ, diện tích ở chật hẹp, không đảm bảo các nhu cầu sống tối thiểu, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần làm rõ căn cứ, cơ sở đưa ra diện tích tối thiểu. Đánh giá được tác động của quy định dựa trên thu nhập lao động, tỉ lệ thuê trọ diện tích nhỏ trên địa bàn hiện nay, đặc biệt là những gia đình lao động phổ thông, thu nhập thấp đang có con đi học. Từ đó đưa ra quy định phù hợp, sát với thực tiễn. Nếu áp dụng cứng nhắc, máy móc sẽ phát sinh tác động ngược.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho rằng, quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú như dự thảo nếu được ban hành có thể khó kiểm soát, phần nào gây tranh cãi trong xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn