MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo nghị quyết quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành có thể khiến người đi thuê nhà khó khăn khi đăng ký thường trú.Ảnh: Hải Nguyễn

Quy định về diện tích đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội: Cần tính đến khả năng tài chính của người lao động

Minh Quang LDO | 21/03/2023 10:28

Cách đây 10 năm, ngày 3.7.2013, HĐND TP.Hà Nội thông qua dự thảo nghị quyết “Quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành TP.Hà Nội”. Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội tiếp tục đưa ra dự thảo tương tự. Đáng chú ý là quy định về diện tích tối thiểu để được đăng ký thường trú nội thành vẫn là 15 m2/ người.

Diện tích nhà ở tăng chậm

10 năm trước, khi xác định tiêu chí nhà ở cho người Hà Nội, HĐND TP Hà Nội đưa ra tiêu chí đến năm 2015 là diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 23,1 m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu là 6,5 m2/người), trong đó khu vực đô thị là 26,6 m2/người, khu vực nông thôn là 20 m2/người.

Đến năm 2020, TP Hà Nội phấn đấu đạt diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố là 26,3 m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 8,5 m2), trong đó khu vực đô thị là 28,7 m2/người, khu vực nông thôn 22,7 m2/người; diện tích nhà ở khoảng hơn 2 triệu mét vuông.

Các chỉ số sau 10 năm thực hiện chiến lược nhà ở tại Hà Nội đã có tăng trưởng. Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn Hà Nội năm 2022 dự kiến đạt 27,6 m2/người (năm 2021 đạt 27,3 m2/người).

Các con số này cho thấy, việc phát triển nhà ở tại Hà Nội chưa đáp ứng được sự phát triển của dân số, đặc biệt người nhập cư muốn có hộ khẩu thường trú tại nội đô tăng nhanh.

Việc đưa ra quy định về diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú khu vực nội đô được cho là nhằm hạn chế lượng dân cư đổ vào vùng lõi Hà Nội. Tuy nhiên, đây là vấn đề nan giải.

Cuối tháng 10.2022, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng tờ trình số 353 gửi Thường trực HĐND thành phố về việc phê duyệt đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11, UBND Thành phố Hà Nội lại có văn bản hoả tốc xin lùi thời gian trình nghị quyết này.

Nội dung đáng chú ý là dự thảo quy định đối với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8 m2. Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2, tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ. 

Có thể hiểu, với một gia đình 4 người, muốn đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội thì ngoài các quy định trong Luật Cư trú, diện tích thuê tối thiểu có xác nhận phải là 80 m2. Điều này gần như bất khả thi với người lao động có thu nhập thấp.

Vì sao là 15 m2?

Lần này, dự thảo của UBND TP Hà Nội đã “quay trở lại” mốc 15 m2 (thay vì 20 m2 như dự thảo trước). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này vẫn còn quá cao so với Luật Cư trú hiện hành.

Theo Khoản 3, Điều 20 Luật Cư trú 2020, một trong những điều kiện đăng ký thường trú là: “Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người”. Đây là quy định chung áp dụng cho tất cả tỉnh, thành.

Khi bàn thảo về mức 8 m2/người quy định trong Luật Cư trú, nhiều đại biểu Quốc hội phân tích: So với Luật Cư trú thì chênh lệch giữa mức tối thiểu (8 m2/người) và 15 m2/người là quá cao, không sát với thực tế điều kiện và giá thuê nhà hiện nay tại Hà Nội. Với giá nhà, đất hiện nay, người dân, đặc biệt là người lao động, rất khó sở hữu nhà nên rất nhiều người đã và đang phải thuê nhà ở. Do đó, chính sách này sẽ gây khó khăn cho nhiều người dân trong việc tạo lập chỗ ở ổn định khi sinh sống và làm việc dài hạn ở Hà Nội. Đó là chưa kể, quy định mới sẽ gây khó khăn cho người dân khi muốn đầu tư xây nhà ở cho người dân, người lao động thuê. Đồng thời, ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh, thu nhập của người dân có nhà cho thuê hiện nay

Giữa năm ngoái, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) - thông tin: Hiệp hội đã gửi ý kiến bổ sung đến Bộ Xây dựng, để đề nghị bổ sung tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ vào Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế”.

Theo đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét và quyết định diện tích tối thiểu của phòng trọ là 10 m2 (hoặc có thể là 12 m2; 15 m2), diện tích sử dụng không nhỏ hơn 5 m2 (hoặc có thể là 6 m2; 7,5m2) cho một người. T.V


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn