MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cánh rừng ngập mặn tự nhiên tuyệt đẹp bên bờ vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Quy hoạch xung quanh vịnh Cửa Lục: Không được động đến rừng ngập mặn

Nguyễn Hùng LDO | 29/02/2020 07:18
Thành phố (TP) Hạ Long mới, trên cơ sở sáp nhập TP.Hạ Long cũ và huyện Hoành Bồ, sẽ lấy vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối. Ngay từ thời điểm có thông tin hai địa phương này sáp nhập cho đến giờ, rất nhiều nhà đầu tư bất động sản danh tiếng đã tìm về để tìm kiếm cơ hội đầu tư, khiến dư luận lo lắng về những cánh rừng ngập mặn tự nhiên tuyệt đẹp bảo vệ vịnh Cửa Lục có thể biến mất.

Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Tuyệt đối không được động đến rừng ngập mặn.

Giới đầu tư bất động sản tới tấp tìm về

Tháng 12.2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc sáp nhập TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ để thành một TP.Hạ Long mới với tổng diện tích lớn gấp 5 lần TP.Hạ Long cũ. Từ lúc râm ran việc sáp nhập Hạ Long với Hoành Bồ, giới đầu tư và đầu cơ đã nườm nượp đổ về đây khiến phía huyện Hoành Bồ lên cơn “sốt” đất.

Ông Trương Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến Đầu tư Quảng Ninh - cho biết, đặc biệt ngay sau khi chính thức sáp nhập 2 địa phương này, các nhà đầu tư lớn liên tục bày tỏ quan tâm đầu tư các dự án bất động sản xung quanh vịnh Cửa Lục.

Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tỉnh này mong muốn xây dựng một khu đô thị đẳng cấp thế giới xung quanh vịnh Cửa Lục. Vì thế, đất xung quanh vịnh Cửa Lục ngày một có giá. Dư luận lo ngại rằng, những cánh rừng ngập mặn tuyệt đẹp còn lại xung quanh vịnh Cửa Lục có thể biến mất khi chứng kiến các nhà đầu tư ồ ạt về Quảng Ninh. Lo lắng đó không phải là không có cơ sở khi mà ngay bản quy hoạch do một tập đoàn bất động sản tài trợ triển khai, ký tháng 5.2019, đã đổ đất lấn vào phần lớn diện tích rừng ngập mặn.

Tuy nhiên, chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - nói rằng, tỉnh chưa chấp thuận bất cứ nhà đầu tư nào vì chưa đến lúc. Đồng thời, ông Thắng khẳng định: Tuyệt đối không được động đến rừng ngập mặn.

Những cánh rừng cuối cùng

Cách đây không lâu, xung quanh vịnh Cửa Lục là bạt ngàn rừng ngập mặn, nhưng dần biến mất do quá trình đổ đất lấn biển làm các khu đô thị. Hiện, rừng ngập mặn tự nhiên chỉ còn ở các xã của huyện Hoành Bồ cũ. Tính đến năm 2017, tổng diện tích rừng ngập ở khu vực bắc Cửa Lục - Cầu Bang giảm 170ha so với năm 2013. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho hay, dù đã mất quá nhiều rừng ngập mặn, nhưng hàng trăm hécta rừng còn lại xen kẽ trong hàng nghìn hécta bãi triều trải dải hàng chục km bên bờ vịnh Cửa Lục vẫn là tài sản vô cùng quý giá. Không chỉ về mặt cảnh quan mà nó còn có tác dụng trong việc bảo vệ môi trường cho vịnh Cửa Lục.

Trao đổi với Lao Động trước đây, các chuyên gia, các nhà khoa học từng cho rằng, vịnh Cửa Lục có sự tương tác, trao đổi nước rất lớn với vịnh Hạ Long. Vì thế, vịnh Hạ Long sẽ phải gánh tất cả rác, ô nhiễm nếu vịnh Cửa Lục bị ô nhiễm. Để bảo vệ vịnh Cửa Lục, ngoài việc dừng lấn vịnh, kiểm soát tốt hoặc di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất xung quanh thì ít nhất phải giữ được diện tích rừng hiện nay và từng bước nhân rộng rừng ngập mặn.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, ngoài việc không được động đến rừng ngập mặn, Quảng Ninh cũng tính toán ở những khu vực gần bờ biển chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án làm dịch vụ - du lịch với tỉ lệ xây dựng thấp. Các dự án bất động sản chỉ được cấp ở phía sâu bên trong, nhưng sẽ không có chuyện phân lô, bán nền để tránh tính trạng đất để hoang.

Ông Phạm Hồng Hà - Chủ tịch UBND TP.Hạ Long - cũng cho rằng, với tình trạng thừa mứa quỹ bất động sản hiện nay ở Hạ Long, có lẽ hạn chế cấp phép cho các dự án thuần bất động sản ở khu vực bắc vịnh Cửa Lục.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương mời các nhà tư vấn có thương hiệu quốc tế triển khai nghiên cứu tổng thể quy hoạch vịnh Cửa Lục bao gồm cả mặt đất, mặt nước, rừng ngập mặn, các công trình trong khu vực vịnh...

Xây dựng 3 cây cầu kết nối trên vịnh Cửa Lục

Để mở rộng không gian phát triển TP.Hạ Long, đồng thời phát huy lợi thế đặc biệt của các khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục, tỉnh Quảng Ninh quyết định xây dựng 3 cây cầu: Cửa Lục 1, 2, 3.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn