MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Môi giới bất động sản ở một dự án tại Bắc Giang. Ảnh: Trần Tuấn

Quý I năm 2023, đấu giá đất ở nhiều địa phương ế ẩm

Vân Trường LDO | 12/03/2023 15:32

Những tháng đầu năm 2023, có những phiên đấu giá đất tại các địa phương có tới hơn 1 nửa số lô không có người trả giá, tình trạng bỏ cọc sau đấu giá cũng diễn ra phổ biến.

Chỉ hơn 1 năm trước, tại hầu hết các phiên đấu giá đất ở các địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng, nhà đầu tư đến tấp nập, trả giá cao so với giá khởi điểm thì đầu năm 2023, tình cảnh đã trái ngược.

Tại Bắc Giang, phiên đấu giá đất tại các phường Trần Phú, Đa Mai và xã Tân Tiến, Đồng Sơn, Tân Mỹ (đều thuộc TP.Bắc Giang) diễn ra mới đây có tới 40 lô đất không có khách hàng trả giá, chiếm 40,81% tổng số lô đất đem ra đấu đấu giá.

Trong đó, lô có giá trúng cao nhất diện tích hơn 141 m2, trị giá gần 3,4 tỉ đồng, tăng so với giá khởi điểm khoảng 320 triệu đồng.

Ngoài ra, hầu hết các lô còn lại giá trúng dao động từ 1,1-1,3 tỉ đồng, chênh lệch không nhiều so với giá khởi điểm.

Hay trước đó, ngày 26.2, tại phiên đấu giá đất khu dân cư mới xã Cảnh Thụy và khu dân cư thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng), có 24 lô không có khách hàng trả giá, chiếm 66,6% tổng số lô được đưa ra đấu giá.

Tình trạng khách hàng bỏ cọc sau đấu giá cũng diễn ra phổ biến gần đây do nhà đầu tư không có nhu cầu thực mà chỉ nhằm lướt sóng kiếm lời. Ảnh: Trần Tuấn

Tại Hải Phòng, chỉ hơn 1 năm trước, tại hầu hết các phiên đấu giá đất đều tấp nập nhà đầu tư thì nay cũng rơi vào cảnh ế ẩm.

Như tại các xã An Hưng, An Hòa và Đồng Thái, huyện An Dương, đầu năm 2023 có 85 lô đất đấu giá thì chỉ có 15 hồ sơ đăng ký. Kết quả số lô đất đấu giá trả cao hơn so với giá khởi điểm không đáng bao nhiêu. 

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hải Phòng), đơn vị này cũng đã 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất để thực hiện Dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà (huyện Cát Hải) nhưng đều không có đơn vị đăng ký tham gia.

Theo ghi nhận tình trạng đất đấu giá ế ẩm thời gian qua cũng xảy ra trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Quảng Trị.

Theo các chuyên gia bất động sản, thời gian qua, các ngân hàng thắt chặt việc cấp tín dụng đối với những lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có bất động sản. Vì vậy, đất đấu giá hiện cũng rơi vào cảnh trầm lắng chung của thị trường bất động sản.  

Không chỉ đất đấu giá, các loại hình đất nền, đất phân lô ở các địa phương từng sốt nóng cũng rơi cảnh ế ẩm.

Tình trạng khách hàng bỏ cọc sau đấu giá cũng diễn ra phổ biến gần đây do không có nhu cầu thực mà chỉ nhằm lướt sóng kiếm lời, hoặc thổi giá để bán những lô đất đã mua trước đó ở gần khu vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn