MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không ít môi giới bất động sản đứng trước nguy cơ bị quỵt tiền hoa hồng. Ảnh minh họa: Bảo Chương

Quỵt tiền môi giới bất động sản, chủ nhà có thể bị truy tố

Ngọc Thiện LDO | 05/01/2024 06:19

Khi người môi giới bất động sản hoàn thành công việc, việc được chủ nhà trả phí hoa hồng là điều hiển nhiên. Dù vậy, có những trường hợp chủ nhà cố tình không trả khoản tiền này.

Tết Nguyên đán đang đến gần. Trong một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn, bất kể ai cũng muốn có một khoản tiền cuối năm để về quê sum họp với gia đình. Số tiền đó có thể là tháng lương thứ 13, thưởng doanh số cuối năm...

Song đối với một trong những nghề đặc thù môi giới bất động sản - vốn không dựa nhiều vào lương, tiền phí hoa hồng từ việc kết nối người bán và người mua bất động sản mới là thu nhập chính. Thị trường bất động sản cuối năm vẫn khá ảm đạm, kéo theo nguy cơ "mất mùa" với không ít môi giới.

Qua mỗi thương vụ bất động sản, việc chủ nhà phải trả tiền phần trăm cho môi giới là điều hiển nhiên. Dù vậy, vẫn có những chủ nhà cố tình chây ì, thậm chí "lờ" đi khoản tiền này. Có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính được cho là lòng tham.

Bởi lẽ, tiền hoa hồng cho môi giới bất động sản được ghi rõ trong hợp đồng dân sự ký kết giữa chủ nhà và môi giới.

Luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) nhận định, hành động quỵt tiền hoa hồng của môi giới bất động sản có thể bị truy tố theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam.

"Với chi phí hoa hồng hiện nay cho môi giới thường khá lớn, từ vài chục triệu đồng cho đến cả trăm triệu đồng, chủ nhà có dấu hiệu quỵt tiền môi giới hoàn toàn có thẻ bị truy tố" - ông Đô cho biết.

Theo luật sư Đô, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bắt nguồn từ giao dịch dân sự, kinh tế. Trước hết, cần xác định rõ người vi phạm hợp đồng có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản hay không, phải đủ bằng chứng chứng minh chủ nhà có cố ý không trả lại số tiền môi giới hay không. Rõ nhất, chủ nhà không thực hiện cam kết trong hợp đồng mà dùng thủ đoạn gian dối, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản lại cố tình không trả dù đủ điều kiện, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích khác dẫn đến mất khả năng thanh toán.

"Về mặt chủ thể, chủ nhà có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Về mặt khách thể, số tiền phí hoa hồng là tài sản hợp pháp của người môi giới bất động sản. Về mặt chủ quan, yếu tố cấu thành là chủ nhà gây lỗi cố ý trực tiếp khi đã bán hoặc cho thuê được thì không trả tiền cho môi giới, có mong muốn chiếm đoạt số tiền không thuộc về mình. Về mặt khách quan của tội phạm, chủ nhà sau khi có tài sản (số tiền hoa hồng cho môi giới) một cách hợp pháp, nhưng cố tình không trả khi có điều kiện" - luật sư Phạm Ba Đô phân tích.

Viện dẫn thực tế, luật sư Đô cho hay, hiện đang được ủy quyền giải quyết một vụ việc có dấu hiệu quỵt tiền môi giới bất động sản.

Theo đó, ông N.V.C là môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề. Sau khi hoàn thành thương vụ môi giới cho thuê tầng hầm của một tòa nhà có trụ sở tại Hà Nội, lãnh đạo phía chủ đầu tư tòa nhà không thực hiện thanh toán tiền môi giới như hợp đồng đã ký trước đó với ông C (1 tháng tiền thuê trên tổng số tiền thuê trong 10 năm).

"Tuy nhiên, người đại diện pháp luật của chủ đầu tư đang có dấu hiệu không thanh toán theo nghĩa vụ, mà lại đổi phương án trả dần tiền hoa hồng theo từng tháng thuê. Số tiền theo đó sẽ ít hơn so với số tiền thực lĩnh. Đó là một trong những chiêu trò quỵt tiền môi giới bất động sản" - vị chuyên gia cảnh báo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn