MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc G-Home. Ảnh: Đức Mạnh

Rào cản hiện thực hoá 1 triệu căn nhà ở xã hội

Tuyết Lan (thực hiện) LDO | 25/10/2023 08:54

Nhiều vướng mắc và bất cập khiến cho đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) khó đạt được mục tiêu vào năm 2025. Để kết quả phát triển NƠXH không "cách xa" mục tiêu, cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng đối với cả chủ đầu tư và người dân. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc G-Home.

Thưa ông, hiện nay quá trình hiện thực hóa 1 triệu căn NƠXH ra sao?

- Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến quý III/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp; khởi công xây dựng 2 dự án. Ngoài ra, có 12 dự án với quy mô 12.679 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới. Thực tế, số lượng các dự án đang khởi công và được chấp thuận chủ trương đầu tư mới tương đối cao. Tuy nhiên, những dự án đủ điều kiện bán công khai còn “cách xa” so với số liệu trên. Nếu tính số lượng các dự án đủ điều kiện bàn giao theo mục tiêu năm 2025 sẽ khó hoàn thành.

Theo ông, hiện đang tồn tại những rào cản nào khiến việc hiện thực hóa 1 triệu căn NƠXH gặp khó khăn?

- Khó khăn và rào cản của việc phát triển NƠXH nằm ở 2 phía: Chủ đầu tư và người dân. Theo quy định chủ đầu tư NƠXH được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Nhưng thực tế chưa có chính sách rõ nét khuyến khích nhà đầu tư phát triển dự án NƠXH riêng lẻ và chế tài đối với các nhà đầu tư phải dành 20% quỹ đất để làm NƠXH. Những thủ tục pháp lý liên quan đến quá trình giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án và cấp phép xây dựng còn phức tạp. Điều này kéo dài thời gian chủ đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý lên tới hằng năm, làm chậm lại mục tiêu phát triển NƠXH. Quy định về ưu đãi, dự án NƠXH sẽ được miễn tiền sử dụng đất. Nhưng vẫn phải đi định giá đất sau đó mới được miễn về “0 đồng”, điều này gây ra sự chậm trễ không đáng có.

Một vài dự án NƠXH mở bán thời gian qua có lùm xùm về việc người thu nhập thấp phải xếp hàng chờ ròng rã cả tháng để đăng ký mua, thậm chí xuất hiện tiêu cực bán chênh giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, nếu phân loại đối tượng theo phương pháp liệt kê như hiện nay sẽ dẫn tới việc bỏ sót các đối tượng yếu thế.

Đồng thời, không nên để việc mua NƠXH mang tính chất bốc thăm hên xui mà cần có tiêu chí rõ ràng, tùy thuộc vào địa phương. Thay vì bốc thăm, có thể giao quyền cho địa phương.

Theo ông, cần có những giải pháp nào để việc hiện thực hoá 1 triệu căn nhà ở xã hội không trở nên xa vời?

- Thứ nhất, cần điều chỉnh đối tượng được mua NƠXH với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết và giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…

Thứ hai, chính quyền địa phương cần làm đúng chức năng, xác nhận cho người dân.

Thứ ba, đối tượng mua NƠXH nếu không có vốn ngân hàng thì gần như đề án NƠXH sẽ không hoàn thành. Gói 120.000 tỉ đồng mới giải ngân được dưới 1%, tỉ lệ quá thấp. Người dân và doanh nghiệp đều mong muốn có một chính sách tín dụng dài hạn, rõ ràng và có thể tiếp cận được.

Nhiều chủ đầu tư hiện nay không quá quan trọng phần lợi nhuận 10% nhưng họ sợ chi phí bỏ ra không được ghi nhận. Chi phí chủ đầu tư bỏ ra thật nhưng phải được kiểm toán và ghi nhận sau đó mới được hưởng 10% tối đa trên chi phí. Chủ đầu tư hiện nay vẫn gặp khó khăn khi không biết chi phí mình bỏ ra có được tính hay không. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có trách nhiệm hơn khi doanh nghiệp hỏi về các chi phí phát sinh được ghi nhận. Cần có những chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển NƠXH.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn