Ngày 17.7, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023” đã khảo sát và làm việc với UBND quận Hoàng Mai, một số doanh nghiệp bất động sản lớn tại Hà Nội có dự án bất động sản đang gặp vướng mắc.
Theo báo cáo của UBND quận Hoàng Mai, trên địa bàn quận hiện có 17 dự án nhà ở, khu đô thị đã và đang triển khai, cũng như hàng loạt chung cư đã và đang được đầu tư xây dựng.
Trong đó, từ năm 2015 đến năm 2023 có 109 tòa chung cư đã được đưa vào sử dụng, gồm chung cư thương mại 87 tòa, chung cư tái định cư 14 tòa, nhà ở xã hội 8 tòa, đáp ứng phần nào nhu cầu về nhà ở cho người dân.
Trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện có 26 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành; 7 dự án đang triển khai.
Về các vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, đại diện các sở, ngành, UBND quận Hoàng Mai và một số doanh nghiệp cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư nhà ở xã hội được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.
Tuy nhiên, các văn bản nêu trên chưa quy định danh mục cụ thể về hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Quy định về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại là khó thực hiện vì có diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ; trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội phức tạp, thời gian thực hiện dài…
Đại diện các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị, cần rút gọn quy trình, thủ tục đầu tư để đẩy nhanh thực hiện dự án nhà ở xã hội, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, không để lãng phí quỹ đất sạch, tăng nguồn cung giúp bình ổn thị trường nhà ở trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, các bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; tiến hành thí điểm một số nội dung trong Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến sử dụng quỹ đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xử lý các vi phạm trong xây dựng nhà ở xã hội…
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát - khẳng định, các thông tin tại buổi khảo sát và làm việc rất hữu ích, làm căn cứ để tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát, báo cáo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt, qua khảo sát thực tế và ý kiến của các cơ quan thực thi tại cơ sở cho thấy rõ những vướng mắc hiện nay trong quản lý, thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đã được tháo gỡ trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
Điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn để đưa luật vào cuộc sống nhanh hơn, tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.