MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sang nhượng mặt bằng kinh doanh cần những thủ tục gì?

Phương Duy LDO | 19/03/2021 11:56

Sang nhượng mặt bằng là một loại hình giao dịch quan trọng, vì vậy các thủ tục cần thiết cũng phức tạp hơn so với thông thường. Nhưng làm thế nào để giúp bạn có được mặt bằng kinh doanh tốt, giá rẻ khi nhận sang nhượng thì không phải ai cũng biết.

Thủ tục sang nhượng mặt bằng

Sau khi thống nhất về giá cả và hình thức sang nhượng mặt bằng, bạn cần chuẩn bị thủ tục sang tên để chính thức thay đổi thông tin người đại diện trên giấy phép đăng ký kinh doanh.

Các giấy tờ cần thiết gồm có:

Bản gốc giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế; Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật; Bản sao giấy từ nhân thân như CMND hoặc passport có công chứng của người đại diện pháp luật mới; Mục lục hồ sơ; Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ.

Ngoài ra, bạn có thể phải nộp bổ sung thêm một số giấy tờ khác như văn bản xác nhận vốn pháp định, quyết định chủ sở hữu/ hội đồng thành viên/ đại hội đồng cổ đông, hợp đồng thanh lý… tùy theo hình thức đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân, công ty pháp doanh…)

Toàn bộ hồ sơ sẽ được nộp lên bộ phận một cửa UBND quận/ huyện hoặc cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh và xử lý trong vòng 3 ngày làm việc.

Hầu hết các cửa hàng sang nhượng đều do kinh doanh không tốt hoặc cần chuyển ngành nghề kinh doanh nên nếu lựa chọn nhận sang nhượng sẽ cần cân nhắc thật kỹ khả năng khiến nó sinh lời hay không trước khi quyết định. Ảnh: Phương Duy

Cần quan tâm những thủ tục pháp lý nào khi sang nhượng quán

Thủ tục ký kết chuyển nhượng mặt bằng

Dù mặt bằng thuộc về chính chủ sang nhượng hoặc được thuê từ một người khác, bạn cũng nên lập hợp đồng rõ ràng để tránh các tranh chấp về sau. Một hợp đồng sang nhượng quán đầy đủ và hợp pháp cần có đủ các thông tin cơ bản sau:

Thông tin người chuyển nhượng và người tiếp nhận; Trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan; Các điều khoản liên quan đến việc sử dụng mặt bằng sau chuyển nhượng; Danh sách các tài sản hữu hình và vô hình hiện có.

Các điều khoản bổ sung (nếu có)

Nếu mặt bằng thuộc về một người khác, người chuyển nhượng chỉ thuê lại thì bạn nên thuyết phục chủ mặt bằng thanh lý hợp đồng cũ và ký kết một hợp đồng mới với người tiếp nhận mặt bằng. Tránh trường hợp chủ mặt bằng không đồng ý gia hạn hợp đồng và đòi lại mặt bằng sau này.

Thủ tục đóng thuế

Sau khi hoàn tất việc sang nhượng mặt bằng, bạn sẽ trở thành người đại diện mới trên mặt pháp luật. Vì vậy, bạn cũng phải chấp hành các nghĩa vụ về thuế đối với cửa hàng kinh doanh như:

Thuế môn bài: dựa trên doanh thu bình quân hàng năm. Ví dụ, với mức thu nhập trên 300 triệu, bạn cần đóng khoảng 500.000 đồng tiền thuế môn bài. Lưu ý, nếu chuyển nhượng vào khoảng cuối năm, bạn nên yêu cầu chủ quán cũ kê khai và nộp thuế môn bài trong năm cho các cơ quan có thẩm quyền. Nếu doanh thu thay đổi sau khi tiến hành chuyển nhượng, thuế môn bài cũng sẽ được tính theo mức doanh thu này trong năm kế tiếp.

Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân cũng dựa trên doanh thu của quán. Nếu chủ kinh doanh nộp thuế khoán và sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì thuế sẽ được tính theo doanh thu khoán. Đặc biệt, những cá nhân nộp thuế khoán không cần đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng nếu doanh thu của quán ít hơn 100 triệu/ năm.

Thời điểm xác định doanh thu được tính từ 20.11 đến 15.12 hàng năm. Thời điểm kê khai thuế trễ nhất là 30.12 (đối với thuế môn bài) và 15.12 (đối với thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn