MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lô đất vẫn bỏ không nhưng ít người hỏi giao dịch khiến nhiều chủ "ôm hàng" đầu suy nghĩ. Ảnh Cao Nguyên.

Sau sốt đất, đau đầu tính toán “ôm đất” chờ tăng giá hay bán tháo hàng

CAO NGUYÊN LDO | 26/06/2021 10:16

Những tháng gần đây, thị trường bất động sản gần như chững lại. Nhiều nhà đầu tư ôm hàng từ đợt sốt đang phải "cân não" để lựa chọn phương án kiên trì giữ đất chờ tăng giá hay thoát hàng cho nhẹ nợ.

Cảnh báo rủi ro

Thị trường bất động sản (BĐS) những tháng đầu năm 2021 đã chứng kiến những cơn "nhảy múa" của giá đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Giá đất nhiều nơi trong thời gian qua tăng mạnh, có nơi tăng đến 200%. Tuy nhiên, với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, các bộ ngành, hiện tượng sốt đất đang có xu hướng giảm.

Hiện tại, cơn sốt đất đã hạ nhiệt, thị trường chững lại. Dữ liệu vừa được Batdongsan.com.vn công bố cho thấy, trong tháng 5, dịch COVID-19 lần 4 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành khiến mức độ quan tâm đến BĐS và lượng tin đăng giảm 7% và 3% so với tháng 4. Mức quan tâm giảm mạnh nhất ở loại hình đất nền (19%) và đất nền dự án (23%).

Trong một thông cáo báo chí của Bộ Xây dựng mới đây cũng đưa ra nhận định, mặc dù hiện tượng sốt đất nền chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành "bong bóng" BĐS.

Đặc biệt, về quản lý nhà ở và thị trường BĐS cũng được Bộ Xây dựng chỉ đạo là nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6.2021. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, thị trường BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro, phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường BĐS và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững.

Thận trọng với đòn bẩy tài chính

Thực tế trên đang đẩy nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính vào thế “cân não”. Nên kiên trì giữ đất chờ giá tăng hay thoát hàng để nhẹ nợ đang là câu hỏi được không ít nhiều người đặt ra.

Chia sẻ với Lao Động, anh Bùi Văn Dương (38 tuổi, một nhà đầu tư tại Hà Nội) cho biết, bản thân anh mới chập chững vào đầu tư BĐS khi thấy cơn sốt đất tăng cao. Cũng chính từ sự không chuyên và chỉ hiểu thị trường theo đám đông đang có nhu cầu đầu tư vào đất nên bản thân anh Dương cũng bị cuốn vào cơn sốt đất. “Vốn không có nhiều, phần lớn số tiền đó tôi phải vay mượn ngân hàng. Giờ bán giá thấp hơn thì lỗ nặng, bán giá mong muốn thì không thể. Trong khi đó lãi ngân hàng phải trả đúng thời gian không sẽ thành nợ xấu", anh Dương nói.

Cũng chia sẻ với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương. Chính vì vậy, thị trường BĐS thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư.

Riêng đối với những sản phẩm tốt, đây là một cơ hội để minh chứng giá trị sản phẩm và tiềm lực của những nhà phát triển uy tín trên thị trường.

Vị chuyên gia này cho rằng, mỗi nhà đầu tư có nhu cầu khác nhau, kỳ vọng khác nhau, điều kiện tài chính khác nhau, nhưng đây vẫn là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý, năng lực tài chính, cân đối quản trị rủi ro trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn là những yếu tố cần được cân nhắc khi quyết định đầu tư.

Ở diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa kêu gọi các ngân hàng thương mại tăng cường hoạt động kiểm soát rủi ro, thông báo đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát chặt tín dụng đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có BĐS. Đây không phải lần đầu NHNN yêu cầu kiểm soát chặt thị trường BĐS để giảm thiểu rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn