MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường trầm lắng, môi giới bất động sản đói khách. Ảnh: Cao Nguyên.

Sau Tết, môi giới bất động sản vẫn đói khách

ANH HUY LDO | 10/02/2023 10:00

Dự án mới không có, thị trường trầm lắng khiến hầu hết các môi giới bất động sản (BĐS) đang rơi vào cảnh khó khăn.

Những năm trước đây, cứ vào dịp trước hoặc sau Tết Nguyên đán, thị trường BĐS thường sôi động, giá liên tục tăng, nhân viên môi giới bận rộn. Còn năm nay, sự khác biệt thể hiện rõ ở sự trầm lắng chung của toàn thị trường, giao dịch giảm sút mạnh đã khiến các văn phòng và môi giới chán nản.

Ghi nhận của PV Lao Động tại một số văn phòng môi giới trên địa bàn quận huyện của Hà Nội như: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoài Đức, Thanh Trì… cho thấy lượng giao dịch đìu hiu. Thậm chí một số văn phòng giao dịch đã tạm đóng cửa do không có khách.

Từ vài tháng nay, khá nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và chịu cảnh thua lỗ khi chi phí quảng cáo vẫn bỏ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể.

Ông Nguyễn Viết Dũng - Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Việt - cho biết nhiều môi giới đã bỏ nghề, một số đội, nhóm tan rã do không “trụ” được sau nhiều tháng không phát sinh giao dịch. Việc tuyển người cũng đang gặp khó dù đã tăng lương cứng, tăng hỗ trợ chi phí marketing so với trước.

Nhiều sàn giao dịch môi giới BĐS tạm đóng cửa. Ảnh: Cao Nguyên

Theo vị giám đốc này, phần lớn các nhân sự ngành môi giới nghỉ việc ở thời điểm này thường là những nhân sự trẻ, mới, chưa gắn bó lâu với nghề. Có những nhân sự không giỏi trong nghề nên khi thị trường có biến cố, họ không có tích lũy cả về tài chính và kinh nghiệm nên tự hoặc bị đào thải.

Chị Nguyễn Hoài Thương, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch có trụ sở trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cho biết 4 tháng nay vẫn có giao dịch nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng nói, lợi nhuận từ các giao dịch, sau khi trừ các chi phí đã bỏ ra, là không đáng kể. Do đó, chị Thương và một thành viên khác trong nhóm đang bán thêm quần áo online để tăng thu nhập.

Cũng theo chị Thương, nhiều nhân viên kinh doanh trong sàn chị làm đã nghỉ việc, chuyển sang làm các nghề khác do nhiều tháng liền không có giao dịch. “Có bạn thì xác định nghỉ hẳn, bạn thì xác định nghỉ tạm thời, chờ thị trường khởi sắc sẽ quay trở lại”, chị Thương nói thêm.

Trong khi đó, anh Hoàng Văn Đức (một nhân viên môi giới tại khu vực An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) lại không bỏ nghề nhưng bỏ sàn cũ tìm sàn mới. Anh Đức cho biết, lý do anh rời sàn cũ là do sàn anh chuyên bán các dòng sản phẩm thấp tầng cao cấp có giá trị hàng chục tỉ đồng.

“Thời điểm này bán dòng sản phẩm cao cấp thanh khoản đang rất yếu nên tôi chuyển sang làm cho một sàn có nguồn hàng mới là một dự án chung cư tại Linh Đàm. Tôi nghĩ trong bối cảnh này thì BĐS hướng tới nhu cầu ở thực là chung cư nội đô sẽ luôn có nhu cầu nên quyết định chuyển hướng”, Đức chia sẻ.

Nhìn nhận về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho biết thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới.

Thời kỳ thị trường sôi động, đặc biệt là nóng sốt, đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng "khủng" của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới có sức hút riêng.

Đặc biệt, khi thị trường nóng sốt, việc kiếm tiền có phần dễ dàng nên nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn