MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Shark Hưng: "Doanh nghiệp bất động sản có thể tăng giá trị cho khách hàng"

Anh Tuấn LDO | 23/08/2020 10:11

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phải đối mặt với những thách thức trước tác động của làn sóng COVID-19 thứ 2, nhiều nhà đầu tư có tâm lý thăm dò và chờ đợi bắt đáy thị trường. Tuy nhiên, thời điểm này, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp rất khó để giảm giá bất động sản, vì nhiều lý do.

Khi đợt dịch COVID-19 thứ 2 xuất hiện tại một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, Hải Dương..., nhiều người đang có tâm lý chờ giá bất động sản “chạm đáy” rồi mới quyết định “xuống tiền”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang bị đình trệ các dự án vì dịch bệnh, gặp khó khăn trong vấn đề nguồn cung và chi phí đầu vào bất động sản tăng, cho nên rất khó để giảm giá. Đồng thời giá bất động sản hiện nay đã rất hợp lý. 

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Thanh Hưng - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản thế kỷ CENINVEST, Phó chủ tịch hội đồng quản trị CEN Group - cho biết, thời điểm này, doanh nghiệp bất động sản rất khó giảm giá niêm yết các sản phẩm, bởi giảm giá niêm yết  bất động sản ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố.

Shark Hưng. Ảnh: Tuấn Trần 

Nói đơn giản, một doanh nghiệp bất động sản khi lập phương án đầu tư, kinh doanh sẽ bị chi phối bởi các chi phí đầu vào và chi phí đầu ra, các phương án huy động vốn như thế nào, dòng tiền ra sao..., đều căn cứ vào doanh thu đầu ra. Trong khi doanh thu đầu ra gần như là "hàm số bất biến" khi lập dự án và được phê duyệt.

Thậm chí, tiền sử dụng đất mà Nhà nước thu cũng thu trên doanh thu đầu ra, cho nên doanh nghiệp bất động sản rất khó để giảm giá sản phẩm trong thời điểm này. Nghĩa là giá bán không thể giảm được.

"Nếu mà giảm thì doanh nghiệp chết, ngân hàng cũng chết, nhà đầu tư cũng chết", ông Hưng khẳng định.

Tuy nhiên, theo Shark Hưng, mặc dù giá niêm yết bất động sản không giảm được, nhưng doanh nghiệp có thể làm tăng thêm giá trị cho khách hàng, như hỗ trợ lãi suất vay cho khách trong vòng 3 năm; tặng nội thất và các gói khuyến mãi khác.

"Tăng chi phí, về bản chất là tăng giá trị cho khách hàng, bản chất cũng là giảm giá. Chính vì vậy, người dân khi đang có nhu cầu mua bất động sản không nên chờ thị trường bất động sản chạm đáy, mà hãy đến và tìm hiểu về những giá trị mà khách hàng được hưởng như thế nào", ông Hưng cho hay.

Ông Trần Minh Nam - Giám đốc Công ty bất động sản Tam Giác Vàng cho biết, làn sóng COVID-19 thứ 2 quay trở lại làm ảnh hưởng tâm lý của khách hàng, nên nhiều người dù nhu cầu rất lớn vẫn có tâm lý "dò xét".

Tuy nhiên, quan niệm về "chạm đáy" bất động sản rất khó định hình và luôn là bài toán hóc búa. Đáp án rõ ràng nhất chỉ có thể chờ đến khi kết thúc chu kỳ khủng hoảng mới có đầy đủ cơ sở xác định giá đáy. Hiện nay, thị trường địa ốc có bị đánh giá là khủng hoảng hay không và đâu là điểm bắt đầu của chu kỳ suy thoái vẫn còn là dấu hỏi lớn.

"Cho nên, đối với chủ đầu tư, điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là trưng cho khách hàng sản phẩm tốt, đội ngũ tư vấn nhiệt tình, truyền tải được hết tinh thần của sản phẩm. Còn người mua, nếu cảm thấy sản phẩm đó phù hợp, hãy quyết định ngay", ông Nam nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn