MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường BĐS Việt Nam được chuyên gia nhận định vẫn sẽ là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế. Ảnh: Anh Tú.

Siết tín dụng, bất động sản Việt Nam vẫn là điểm nóng "hút" dòng vốn ngoại

KHÁNH LINH LDO | 04/07/2022 10:20

TPHCM - Nguồn cung khan hiếm, dòng vốn bị hạn chế đang là các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Song thị trường BĐS Việt Nam được chuyên gia nhận định vẫn sẽ là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế trong thời gian tới.

Việt Nam vẫn là điểm nóng

Không phủ nhận những khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng đang đối diện, song các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội. Đặc biệt, BĐS Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư với các nhà đầu tư quốc tế.

Theo Cục thống kê TPHCM, tính đến ngày 20.6, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP đạt 2,21 tỉ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ. Trong số vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố nửa đầu năm 2022 có 304 dự án cấp mới với vốn đăng ký đạt 231,1 triệu USD, giảm 12,6% về vốn so với cùng kỳ. Đồng thời có 68 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký với số vốn tăng 1.377 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, nếu nhìn bức tranh bất động sản Việt Nam trên bản đồ đầu tư thế giới thì rất nhỏ bé nhưng vẫn là điểm nóng của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hongkong (Trung Quốc).

“Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, Việt Nam được xem là một trong những điểm sáng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Khương nói.

TS Sử Ngọc Khương phân tích, với một thị trường nhỏ như Việt Nam, nhưng biên độ lợi nhuận hấp dẫn so với chi phí tài chính, so với rủi ro lạm phát, thì thị trường Việt Nam vẫn là điểm nóng để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Nhưng thực tế cơ hội của chúng ta lại không có cho họ khi hầu hết các dự án bất động nhà ở do nhà đầu tư Việt Nam “cầm trịch”. Còn các nhóm bất động sản công nghiệp, du lịch, dịch vụ… các nhà đầu tư trong nước không mặn mà bởi thời gian hoàn vốn rất lâu. 

"Do đó, việc rút đầu tư khỏi Việt Nam do lạm phát tôi cho là khó. Nếu họ không đầu tư, chỉ là do không có dự án sạch, dự án phát triển. Ít khi tôi thấy nhà đầu tư cho rằng thị trường Việt Nam không còn cơ hội nữa. Đến thời điểm bây giờ bất động sản Việt Nam vẫn là "nồi lẩu" ngon cho các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước", ông Khương chia sẻ.

Theo ông Khương, trong thời gian vừa qua, khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, ông thấy rằng, họ tập trung vào việc có dòng tiền nhanh thông qua việc mua bán sáp nhập các dự án văn phòng trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khu công nghiệp lớn mà chủ đầu tư đã cho thuê, lấp đầy.

Thời điểm doanh nghiệp uy tín khẳng định vị thế

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Hoài Nam - Giám đốc kinh doanh CTCP BĐS Tiến Phước, cho biết một số dữ liệu báo cáo cho thấy rằng thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chậm lại nhưng không phải đứng hẳn.

Theo ông Nam, sự chậm lại là cần thiết, là sự thức tỉnh dành cho cả doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư, khách hàng. Đây là cơ hội, là thời điểm để những doanh nghiệp uy tín khẳng định vị thế với những sản phẩm thật, mang lại giá trị thật cho nhà đầu tư, khách hàng.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, những chủ đầu tư có nguồn vốn tốt sẽ vượt qua thời kỳ này và họ sẽ phát triển những BĐS có mức giá trị và chất lượng tốt hơn.

Nguồn vốn trở nên khó kiếm sẽ dẫn đến xu hướng một số chủ đầu tư bán nguồn đất để có dòng tiền đi vào ở giai đoạn ngắn hạn. Thêm nhiều quỹ đất ra thị trường sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản nhà ở có thêm nhiều dự án có thể được phát triển hơn, từ giai đoạn trung hạn đến dài hạn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn