MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Sốt đất ảo" vùng ven Hà Nội: Những lưu ý để tránh tiền mất, tật mang

Phan Anh Cường - Hồng Cường LDO | 28/03/2020 15:17

Hòa Lạc là khu vực được giới đầu tư bất động sản quan tâm, bởi nơi đây được định hướng là đô thị vệ tinh có quy mô lớn nhất Thủ đô. Không ít lần giới đầu tư tìm về như trẩy hội, tuy nhiên, sau thời kỳ sốt ảo, giá đất ở đây rơi vào tình trạng đóng băng, giá giảm sâu.

Nghiên cứu kỹ trước khi "xuống tiền"

Liên quan vụ giá đất nền ở khu vực Quan Giai (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội được "cò" thổi phồng, đội giá từ 5 triệu đồng/m2 lên đến 20 triệu đồng/m2, ngày 26.3, chính quyền xã đã vào cuộc, giải tán đám đông và hiện không còn cảnh ôtô “rồng rắn" kéo nhau đến xem đất. Giá đất cũng không còn bị đẩy lên cao như trước.

Chính quyền xã Đồng Trúc yêu cầu nhân dân cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, giao dịch nhà đất, tránh việc bị các đối tượng cò mồi, môi giới đưa thông tin sai sự thật, lợi dụng trục lợi.

Nhận định về vụ "sốt đất ảo" ở Hoà Lạc, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, đây là kiểu đầu tư "nghe tin đồn". Nó là hiện tượng lặp lại của rất nhiều vụ, đã có rất nhiều bài học cho lối đầu tư kiểu “nghe ngóng", đám đông như vậy. Nếu đầu tư ở thời điểm "sốt, nóng" trong khi giá không đúng bản chất thì dễ "ngậm trái đắng".

“Ở khu vực Đồng Trúc bây giờ cũng vậy, khu vực đó chưa có đầu tư gì lớn để tạo ra giá trị tăng. Đất đai tỉ lệ thuận với giá trị đầu tư, có đầu tư hạ tầng xã hội, dịch vụ thì mới tăng được giá trị, ông Đính cho hay.

Theo lời khuyên của Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trước khi mua đất nền, cần tìm hiểu thông tin về mảnh đất như vị trí, pháp lý, quy hoạch khu vực, hạ tầng... Tránh mua đất chưa có sổ đỏ hoặc đất sổ chung.

Nên chọn mua đất có Giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp để tránh tranh chấp và dễ dàng hơn trong việc đền bù nếu đất bị thu hồi. So sánh diện tích đất thực với diện tích đất trong sổ đỏ để đảm bảo không có sự chênh lệch. Nghiên cứu kỹ hợp đồng mua bán đất (các điều khoản, thỏa thuận…) trước khi "xuống tiền".

Những lần đất nền Hoà Lạc "sốt"

Đây không phải lần đầu tiên đất nền Hoà Lạc "sốt". Cách đây hơn 10 năm khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây đã nổi lên thông tin Hoà Lạc trở thành đô thị vệ tinh của Việt Nam, điều này khiến các nhà đầu tư, môi giới bất động sản tìm về như trẩy hội. 

Các “nhà đầu tư” tập trung về thôn Đồng Táng, xã Đồng Trúc “lướt sóng“. Ảnh: C.N 

Giá nhà đất Hòa Lạc thời điểm đó tăng rất mạnh, gấp nhiều lần so với mặt bằng ban đầu. Giai đoạn 2008-2009, từ mức chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2 cho những lô đất đẹp - tăng vọt lên mức 10-15 triệu đồng/m2, cao điểm nhất có khu lên tới 30 triệu đồng/m2. 

Những mảnh đất trong làng xóm khi đó có giá ban đầu chỉ chừng 500-600 nghìn đồng/m2 cũng được đẩy lên 5-6 triệu đồng mỗi m2. Với những lô đất mặt đường quốc lộ có giá lên tới 30 triệu đồng/m2. 

Tuy nhiên, sau đó thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, giá nhà đất ở khắp Hà Nội tụt dốc thảm hại, hầu hết các dự án tại khu đô thị vệ tinh đều bất động hoặc chậm triển khai. Trong đó, nhà đất Hòa Lạc cũng rơi vào tình trạng đóng băng, giá giảm sâu suốt 10 năm qua. 

Từ cuối năm 2018 đầu năm 2019, đất Hòa Lạc có một đợt "nóng" trở lại. Lý do được cho là - thời điểm này, Hoà Lạc được chọn là địa điểm của hai dự án trọng điểm là Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn