MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các lô đất Khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo được Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà đưa ra đấu giá nhưng không có khách hàng tham gia. Ảnh: QĐ.

Sốt đất hạ nhiệt, tổ chức đấu giá đất nhưng khách hàng không tham gia

HƯNG THƠ LDO | 07/11/2022 11:11

Sau khi sốt đất hạ nhiệt, việc mua đi bán lại các lô đất tại tỉnh Quảng Trị trở nên yên ắng và liên tục xảy ra tình trạng bỏ cọc các lô đất đã đấu giá. Hiện, có địa phương tổ chức đấu giá hàng chục lô đất, nhưng không có khách hàng nào nộp hồ sơ. Có địa phương thì đấu đi đấu lại các lô đất bị bỏ cọc, nhưng tín hiệu cũng không mấy khả quan.

Ngày 7.11, ông Nguyễn Cao Cường – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho biết, sau 2 lần thông báo đấu giá 53 lô đất nhưng không có khách hàng nào nộp hồ sơ, từ nay đến hết năm 2022, đơn vị này sẽ không tổ chức đấu giá đất nữa.

Ông Cường cho biết, việc đấu giá đất không có khách hàng tham gia diễn ra trong tháng 9 và tháng 10.2022. Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà 2 lần thông báo tổ chức đấu giá 53 lô đất tại 8 khu dân cư trên địa bàn với tổng giá trị hơn 115 tỉ đồng. Các lô đất có giá khởi điểm từ 1,5 tỉ đồng đến 3,5 tỉ đồng. Trong số 53 lô đất trên có 17 lô đất trước đây khách hàng đã đấu trúng nhưng sau đó bỏ cọc.

Theo ông Cường, một trong những nguyên nhân khiến người dân không nộp hồ sơ đấu giá các lô đất, là do ở thời điểm hiện tại đất đã hạ nhiệt. Trong lúc đó, giá sàn các lô đất được xây dựng dựa trên giá thị trường ở thời điểm đất đang sốt.

Ông Cường ví dụ, các lô đất ở Khu đô thị Bắc sông Hiếu trước kia đơn vị tổ chức đấu giá, đưa ra giá sàn 1 lô 1 tỉ đồng và khách hàng đấu trúng với giá 2 tỉ. Bây giờ, xây dựng giá sàn để tổ chức đấu các lô đất mới ở khu vực đó cũng phải nâng lên gần 2 tỉ.

“Mức giá sàn các lô đất do 1 đơn vị tư vấn độc lập khảo sát thị trường, so sánh rồi đưa ra. Sau đó hội đồng thẩm định thông qua, căn cứ vào đó Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đưa ra đấu giá, chứ không phải đơn vị muốn xây dựng như thế nào cũng được. Qua 2 lần tổ chức đấu nhưng không có khách hàng nộp hồ sơ, chứng tỏ mức giá sàn đưa ra ở thời điểm này chưa hợp lý. Nhưng từ nay đến hết năm không còn nhiều thời gian, không kịp để xây dựng lại mức giá và tổ chức đấu lại” – ông Nguyễn Cao Cường, cho biết.

Việc đấu giá đất vào thời điểm này gặp khó không chỉ xảy ra ở thành phố Đông Hà, mà ở các địa phương khác ở tỉnh Quảng Trị cũng không mấy thuận lợi.

Các lô đất bị bỏ cọc ở xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ

Như ở huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) vừa tổ chức đấu giá đất ở 2 địa điểm với hàng chục lô đất, nhưng kết quả đấu trúng rất ít.

Ông Võ Đắc Hóa – Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, có địa điểm không phải đấu giá lần đầu, mà trước đó huyện đã tổ chức đấu giá và nhiều người đấu trúng với giá khá cao so với giá sàn nhưng sau đó hàng chục khách hàng bỏ tiền cọc. Mới đây, tổ chức đấu lại, mức giá vẫn không đổi, nhưng đấu 51 lô thì chỉ có 8 khách hàng đấu trúng 8 lô, mức giá đấu trúng chỉ nhỉnh hơn giá sàn một chút…

Việc đấu giá đất gặp khó ở các địa phương sẽ khó đạt chỉ tiêu thu ngân sách từ nguồn đấu giá đất. Như ở thành phố Đông Hà, chỉ tiêu đặt ra là 250 tỉ đồng, nhưng đến nay mới thu gần 160 tỉ đồng.

Trước đó, cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tại tỉnh Quảng Trị xảy ra tình trạng sốt đất từ đồng bằng, thành phố đến các huyện miền núi. Các địa phương đã xuất hiện tình trạng giá đất tăng “nóng”, tăng “dựng đứng”, khiến UBND tỉnh Quảng Trị đưa ra cảnh báo về “bong bóng” bất động sản.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn