MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc Khu đô thị Nam Đông Hà. Ảnh: Hưng Thơ

Sốt đất ở Quảng Trị: Nhà đầu tư "mắc cạn" vì khó vay vốn từ ngân hàng

HƯNG THƠ LDO | 17/12/2021 16:10

Quảng Trị - Mua đất lúc giá lên cao rồi sau đó đứng yên, không ít nhà đầu tư bất động sản gặp khó vì không vay vốn được từ phía ngân hàng để xuống tiền, buộc phải tìm cách bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng.

Khoảng 1 tháng trở lại, Khu đô thị Nam Đông Hà (Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) xảy ra tình trạng sốt đất, khi giá cả lô đất ở đây tăng cao so với thời gian trước.

Anh H - một nhà đầu tư bất động sản ở tỉnh Quảng Trị - cho biết, hơn 1 tháng trước anh đã nhiều lần mua đất theo hình thức đặt tiền cọc rồi bán lại trước thời điểm công chứng (lướt). Với hình thức “lướt” này, cứ mỗi lô, anh H kiếm lời từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Thời điểm anh H “lướt”, giá 1 lô đất có diện tích ngang 7 mét, dài 21 mét ở Khu đô thị Nam Đông Hà có giá khoảng 1,7 tỉ đồng. Khi nắm trong tay tiền lời 400 triệu đồng, thì giá đất ở nơi này tăng đột biến, lô 1,7 tỉ đồng mà hơn 1 tháng trước anh H mua đi bán lại tăng lên 2,4 tỉ đồng.

Dự đoán giá đất còn tăng lên, nên anh H mua 1 lô đất với giá 2,4 tỉ đồng, đặt cọc 300 triệu đồng và thỏa thuận gần cuối tháng 12.2021 sẽ công chứng, giao đủ tiền. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc, chỉ mấy ngày sau giá đất đứng yên, đến thời điểm ngày 17.12 giá còn rớt xuống nên phương án “lướt” không triển khai được.

Anh H nghĩ đến việc mua luôn lô đất để đợi giá lên, nhưng khi liên hệ với các ngân hàng để vay vốn thì không vay được. Nên buộc phải nhờ môi giới rao bán với giá thấp hơn giá mua, nhưng không có ai giao dịch. Trước thời điểm công chứng, nếu không vay được vốn hoặc bán cắt lỗ, phương án cuối là chấp nhận mất luôn 300 triệu đồng tiền cọc.

Không chỉ ở Khu đô thị Nam Đông Hà, ở Khu đô thị Bắc Sông Hiếu (Thành phố Đông Hà), các lô đất ở thời điểm này đang đứng yên, thậm chí tụt xuống so với thời điểm "sốt". Đơn cử, khoảng hơn 1 tháng trước, giá 1 lô đất có diện tích ngang 9 mét, dài 20 mét với hệ thống điện dương có giá khoảng 2,3 đến 2,6 tỉ đồng. Sau đó, giá được đẩy lên 3,2 tỉ đồng đến 3,6 tỉ đồng. Đến thời điểm này, giá giảm 150 triệu đồng nhưng hiếm người giao dịch.

Anh C - một môi giới bất động sản ở tỉnh Quảng Trị - cho hay, tình trạng các nhà đầu tư “mắc cạn” ở thời điểm này vì không vay vốn được như anh H khá nhiều. Dù chấp nhận rao bán thấp hơn vài trăm triệu đồng, nhưng việc giao dịch cũng khó khăn. Tuy nhiên, anh C dự đoán đầu năm sau, giá đất ở đây sẽ lại “sốt” trở lại.

Theo lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn Thành phố Đông Hà, dịp cuối năm, nhiều người có nhu cầu vay vốn nhưng ngân hàng này hết hạn mức cho vay của năm, nên không giải ngân. Sang năm 2022, khi có chỉ tiêu mới thì mới giải ngân cho vay được.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã nắm được thông tin về việc giá đất tăng đột biến ở một số khu đô thị còn nhiều lô đất trống. Dù giá đất tại tỉnh Quảng Trị so với các địa phương lân cận thấp hơn nhiều, nhưng giá đất tăng cao ở một số địa điểm trong thời gian ngắn là bất thường, nên đã đề nghị các đơn vị liên quan tìm hiểu, đề xuất phương án để tránh tình trạng sốt đất ảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn