MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng đang tích cực tìm đối tác, hợp tác đào tạo nhân lực bán dẫn - phát triển công nghệ cao. Ảnh: Nguyên Thi

Tắc nghẽn về đất đai, Đà Nẵng cần cơ chế đặc thù để bứt phá

Thùy Trang LDO | 18/03/2024 13:58

TP Đà Nẵng đang phải thực hiện 4 kết luận thanh tra Chính phủ và 3 bản án với hàng nghìn dự án phải nằm chờ nhiều năm nay. Nguồn lực đất đai gần như bị tắc nghẽn. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm tới, Đà Nẵng cần chọn những lĩnh vực động lực mới như công nghệ cao, kinh tế số… cùng cơ chế hỗ trợ thì mới có thể bứt phá.

Hàng nghìn dự án bị tắc nghẽn, nằm chờ

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43, phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng còn nhiều khó khăn; có 8/16 chỉ tiêu có khả năng khó hoàn thành.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giữa tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, điểm nổi bật trong thành công của Đà Nẵng cho đến nay là những cơ chế, chính sách khác biệt (phù hợp với thực tiễn và theo cơ chế thị trường) về khai thác, huy động và tích tụ vốn từ đất đai đã được áp dụng để phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Thành phố đã có quá trình đô thị hóa và phát triển mạnh mẽ ở khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch.

Tuy vậy, mô hình phát triển nói trên của Đà Nẵng do nhiều nguyên nhân khác nhau đã dần giảm, thu hẹp dư địa phát triển. Thực tế, TP Đà Nẵng đang tổ chức thực hiện 4 kết luận thanh tra Chính phủ và 3 bản án. Riêng kết luận 2852, địa phương có 1.300 dự án đang nằm chờ gần 10 năm nay. Các doanh nghiệp đang rất mong chờ để đầu tư khi được tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa thể khơi thông được nguồn lực này hoàn toàn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cũng chỉ ra rằng, những khó khăn của Đà Nẵng có nguyên nhân khách quan và chủ quan như Nghị quyết 43 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước không thuận lợi. Song song đó, Đà Nẵng phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra, trong đó nhiều vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền.

Chọn động lực mới với tinh thần khác biệt, cơ chế vượt trội

Trước thực tế đó, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi động lực cho TP Đà Nẵng nhưng vẫn tiếp tục theo tinh thần khác biệt vượt trội như trước đây để đưa thành phố trở lại đường ray phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa mục tiêu phát triển theo quy hoạch đã định.

Ông Cung kiến nghị, kinh tế thành phố vẫn tiếp tục phát triển trên 3 trụ cột chính, đô thị hóa thì theo hướng hiện đại, xanh và thông minh; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với trọng tâm là công nghiệp chế tạo công nghệ cao, nhất là công nghiệp bán dẫn.

Đặc biệt, để thực hiện được định hướng phát triển nói trên, cần có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng đến năm 2030.

Ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cũng cho hay: “Thành phố phải chú trọng đề xuất những cơ chế vượt trội, để hình thành hình mẫu ví dụ như khu thương mại tự do, trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao” - ông Thiên trao đổi.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, kinh tế số đang đóng góp khoảng 20% vào tăng trưởng GDP của TP Đà Nẵng, xuất khẩu phần mềm đạt khoảng 200 triệu USD. Điều này chứng tỏ, nếu đi đúng hướng và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ chế thì lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh rất phù hợp với dư địa, mô hình phát triển của thành phố trong tương lai.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương ông Nguyễn Hồng Sơn thống nhất với các đề xuất kiến nghị, ngoài các định hướng được đưa ra của Nghị quyết 43 thì cần tập trung vào các giải pháp mang tính mới, chất lượng, đột phá gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Việc phát huy động lực mới, cơ chế chính sách đặc thù mới phải có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn