MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Vành đai 3 TPHCM được áp dụng tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Ảnh: Anh Tú

Tách riêng giải phóng mặt bằng sẽ giúp tăng tốc dự án

MINH QUÂN LDO | 11/09/2024 13:52

TPHCM - Nhiều dự án kỳ vọng được đẩy nhanh tiến độ khi áp dụng cơ chế tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thực hiện song song với xây lắp.

Ngày 11.9, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu.

Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đề xuất, trường hợp thật sự cần thiết cho phép tách riêng công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư thành dự án độc lập với tất cả các nhóm dự án.

Đối với các dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội sẽ quyết định; còn các dự án nhóm A, B, C do cấp có thẩm quyền xét duyệt. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - đánh giá rằng, việc tách công tác giải phóng mặt bằng là rất phù hợp. Ông nhấn mạnh, việc này giúp chuẩn bị đầu tư được hoàn chỉnh hơn trước khi bố trí vốn, tránh tình trạng chậm trễ trong triển khai.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cho rằng, tốc độ thực hiện các dự án đầu tư công phụ thuộc lớn vào việc giải phóng mặt bằng. Nếu mặt bằng không được sớm giải quyết, việc triển khai các dự án sẽ bị đình trệ, do đó, tách riêng phần này là cách tiếp cận đúng đắn.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Quân

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc tách giải phóng mặt bằng cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết. Ông Lê Ngọc Linh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ra rằng, việc tính toán tổng mức đầu tư các dự án sẽ trở nên phức tạp hơn khi tách phần giải phóng mặt bằng.

Ông Linh cho biết, hiện nay tổng mức đầu tư của một dự án bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Nếu tách riêng phần này, cần phải quy định rõ ràng về cách tính toán chi phí, vì nhiều dự án có chi phí xây lắp và thiết bị thấp nhưng chi phí giải phóng mặt bằng rất cao.

Ông Linh đề xuất, cần có quy định rõ ràng để các địa phương có thể chủ động trong việc thực hiện thủ tục đầu tư.

Đồng tình với ý kiến này, một số đại diện các tỉnh khác cũng yêu cầu luật cần làm rõ các điều khoản về trường hợp “thật sự cần thiết” khi tách dự án. Điều này nhằm tránh những khó khăn không đáng có trong quá trình triển khai sau này.

Trước những lo ngại từ phía các địa phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đã được đề cập từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định xem xét từng dự án và từng địa bàn cụ thể trước khi áp dụng rộng rãi.

Bà Ngọc cũng thừa nhận, việc tách riêng các dự án giải phóng mặt bằng có thể gây ra những hệ lụy nếu không được quản lý tốt, đặc biệt đối với các dự án giao thông, nơi chưa xác định rõ hướng tuyến.

Lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất việc tách riêng này vào dự thảo luật, kèm theo các điều kiện cụ thể để đảm bảo việc quản lý và thực hiện đạt hiệu quả cao.

Dự kiến, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 năm nay. Trước hội thảo tại TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổ chức hai hội thảo tương tự tại miền Bắc và miền Trung để lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn