MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Hà Nội). Ảnh: Cao Nguyên.

Tăng lợi nhuận làm nhà ở xã hội để người nghèo có cơ hội tiếp cận nhà ở

ANH HUY LDO | 16/11/2023 14:31

Việc đề xuất tăng lợi nhuận lên 15% hoặc thưởng theo thực tế thành tích phát triển nhà ở xã hội hay hình thức tương đương để bù đắp chi phí, tạo động lực cho các nhà đầu tư phát triển để người nghèo có cơ hội tiếp cận phân khúc này.

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nguồn cung cho phân khúc này.

Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Ông Nguyễn Hoàng Nam - Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết, cơ chế pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội rất phức tạp.

Việc xin cấp phép xây dựng mất thời gian hơn dự án nhà ở thương mại. Để có được giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội phải mất ít nhất 2 năm hoàn thành thủ tục.

Theo ông Nam, mặc dù nội dung quy định hiện hành ưu đãi cho dự án nhà ở hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng trước đó, dự án nhà ở xã hội vẫn phải “kinh” qua định giá đất - hiện vẫn đang còn nhiều vướng mắc, tranh cãi liên quan đến phương pháp định giá.

Chưa kể, sau 2 năm làm thủ tục đầu tư, dự án nhà ở xã hội mất khoảng 2 năm tiếp theo để xây dựng và bàn giao nhà cho khách hàng. Sau đó, chủ đầu tư vẫn phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.

Quá trình này kéo dài lên đến 9 năm, sau đó dự án mới được kiểm toán. Chỉ khi được kiểm toán xong, doanh nghiệp mới được nhận về khoản lợi nhuận cố định 10%.

Trong khi đó, xuyên suốt cả quá trình thực hiện dự án, bản thân doanh nghiệp cũng không chắc chắn, khoản chi phí nào sẽ được ghi nhận là hợp lý, hợp lệ, khoản phí nào sẽ không được quyết toán, bị gạt đi. Chính vì vậy, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội luôn trong trạng thái “hên xui”.

Mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hà Nội đề xuất nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư xây nhà xã hội lên 15-20%, thay vì mức cũ 10% vốn không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Mức tăng này cũng là mong muốn của nhiều chủ đầu tư trên thị trường.

Về điều kiện phát triển nhà xã hội, lãnh đạo Sở Xây dựng kiến nghị vẫn giữ quy định doanh nghiệp làm nhà xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại, thay vì cắt đi như trong dự thảo Luật Nhà ở Chính phủ trình Quốc hội.

“Đây là cơ chế ưu đãi quan trọng để thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia. Đây cũng là cơ sở hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà”, Sở Xây dựng đánh giá.

Cũng theo Sở Xây dựng, việc lựa chọn doanh nghiệp làm nhà ở xã hội theo quy trình trong Luật Đấu thầu 2023 vẫn lâu, trong khi dự án cần chọn chủ đầu tư và triển khai sớm mới hiệu quả.

Do đó, Sở Xây dựng đề xuất Luật Đấu thầu có quy định riêng về việc chọn chủ đầu tư qua hình thức bốc thăm giống nhiều nước trên thế giới đang triển khai, giúp rút ngắn thời gian.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cũng nêu rõ, việc quy định chủ đầu tư hưởng tối đa 10% lợi nhuận khiến họ không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội.

Trong khi một dự án nhà ở xã hội phải mất 3 - 5 năm mới hoàn tất thủ tục hành chính cho đến lúc nhận quyết định cấp giấy phép xây dựng, số lượng thủ tục, giấy tờ có khi gấp đôi so với dự án nhà ở thương mại… gây tốn kém rất nhiều đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến tỷ lệ đất, quy hoạch đất, bố trí đất cho dự án nhà ở xã hội cũng chưa đáp ứng.

Chính vì vậy, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh nên bỏ quy định về lợi nhuận tối đa đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thay vào đó, ban hành khung giá cho nhà ở xã hội phù hợp từng địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn