MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản dự báo sẽ có nhiều nguồn cung mới vì được tiếp cận vốn dễ dàng. Ảnh: Cao Nguyên

Tạo nguồn cung mới cho thị trường bất động sản

Cao Nguyên LDO | 26/08/2023 08:25

Thay vì bị kiểm soát từ 1.9, người dân, doanh nghiệp vẫn được vay ngân hàng để góp vốn, đầu tư vào các dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh, theo Thông tư mới. Nhiều doanh nghiệp, người dân cho rằng, đây là tín hiệu tích cực “cởi trói” cho họ để có cơ hội tiếp cận tín dụng để hoàn thiện dự án, đưa nguồn cung ra thị trường.

Bãi bỏ quy định “cấm” vay vốn

Từ đầu năm tới nay, thị trường bất động sản liên tục nhận được các "trợ lực" để đẩy nhanh đà phục hồi như: Các chính sách mới gỡ khó về thủ tục pháp lý, việc Tổ Công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc với doanh nghiệp và địa phương để dần tháo nút thắt cho một số dự án bất động sản lớn…

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, vấn đề tiếp cận tín dụng vẫn còn nỗi lo trong đó có Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (dự kiến có hiệu lực vào ngày 1.9). Thông tư mới được cho là đặt ra một số quy định sẽ tạo ra rào cản khiến bất động sản khó tiếp cận được nguồn vốn.

Trước nhiều phản ánh của Hiệp hội bất động sản, doanh nghiệp và chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư số 10 nhằm ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Thông tư 06 để ưu tiên hơn tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.

Cụ thể, ngân hàng vẫn được phép cho vay với nhu cầu thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên UPCoM.

Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Có sự bứt phá, tạo nguồn cung mới?

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn cầu cho rằng, đối với bất động sản, tiền sử dụng đất và tiền chi phí hạ tầng chiếm đến 60-70% tổng mức đầu tư dự án đều nên cần được cho vay ngay từ bước dự án bắt đầu triển khai.

Đặc biệt, có những dự án vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng càng cần vốn tín dụng ngay từ ban đầu. Việc dừng những điều kiện cấm cho vay sẽ tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển dự án và tạo nguồn cung cho thị trường bất động sản.

Còn ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ - cho hay, hiện có đến 90% các dự án đều gặp vướng mắc, không đủ điều kiện vay theo Thông tư 06. Đặc biệt, với những dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) công trình hạ tầng... đặc thù cần lượng vốn lớn, trong khi nguồn thu hoàn vốn kéo dài thì việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án là tất yếu.

“Việc dừng những điều kiện vay (theo Thông tư 06) tạo dòng vốn cho phép đối tác của chủ đầu tư (bên thứ 3) vay vốn thông qua hợp tác kinh doanh. Trong bối cảnh hiện tại, hợp tác đầu tư chia sẻ lợi ích và rủi ro với các đơn vị có tiềm lực tài chính là ưu tiên” - ông Toản nói.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - nói, hiện thị trường bất động sản gặp khó khăn cả nguồn cung và cầu. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các chủ đầu tư thiếu vốn triển khai dự án.

"Việc tạm ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 06 thể hiện sự cầu thị của Ngân hàng Nhà nước đã lắng nghe góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản và người dân. Hy vọng, tới đây nhiều dự án sẽ được tạo điều kiện vay vốn từ khâu hoàn thành giải phóng mặt bằng nhằm tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, giao dịch mua bán và sáp nhập dự án sẽ sôi động hơn dưới nhiều hình thức do được tiếp sức từ nguồn vốn vay ngân hàng" - ông Điệp nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn