MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà ở của công nhân tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Tạo thuận lợi để phát triển nhà ở xã hội

Cao Nguyên LDO | 22/03/2022 14:28

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội quy mô 350.000 tỉ đồng, trong đó có chính sách vốn vay cho các doanh nghiệp bất động sản mang đến nhiều kỳ vọng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sẽ ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu của người dân…

Nhu cầu nhà ở lớn

Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp (KCN) khoảng 294.600 căn. Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn; nhà ở cho công nhân KCN khoảng 163.500 căn.

Dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này nhưng đến nay trên thực tế, NƠXH chưa được các tổ chức và thể chế thị trường có liên quan coi trọng trong các ưu tiên của của mình. Thị trường NƠXH đô thị hiện nay còn mất cân đối, đang có sự thiếu hụt lớn tổng cung NƠXH.

Trong bối cảnh đó, gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội được kỳ vọng tác động cả trực tiếp và gián tiếp, cả trước mắt và lâu dài đến phát triển NƠXH. Đặc biệt gói bù lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua khoảng 40.000 tỉ đồng thu hút nhiều sự chú ý.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, gói hỗ trợ lãi suất sẽ không chỉ tác động đến các doanh nghiệp được vay vốn, mà còn tác động tích cực đến cả cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu mô hình kinh doanh. 

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc quan trọng nhất của chính sách hỗ trợ là đầu tư vào dự án khả năng hấp thụ ngay, giúp nền kinh tế phục hồi và lan toả. Điều này sẽ giúp tác động kép tới nền kinh tế. 

Vẫn còn băn khoăn

Trước hết, kỳ vọng gói hỗ trợ này sẽ trực tiếp làm tăng tổng cầu có khả năng thanh toán trên phân khúc NƠXH từ dòng tiền trích trong phần gói hỗ trợ dự kiến chi cho vay để mua nhà cho các đối tượng người có thu nhập thấp và khó khăn về nhà ở, trong đó có khoản cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do NHNN chỉ định để hỗ trợ cho vay NƠXH… Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế này.

Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho rằng, trong lúc này mà Nhà nước đưa ra một gói tiền lớn như vậy cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế. Đây là một đòn bẩy cũng như mồi để cho các doanh nghiệp hồi phục lại. 

Với gói bù lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp bất động sản lên 40.000 tỉ đồng là một động lực quan trọng cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, ở đây cần phải nhấn mạnh nếu hưởng trong 2 năm (2022-2023) thì rất ngắn. 

“Thời gian của doanh nghiệp bất động sản lập dự án để đến phê duyệt dự án và đủ điều kiện vay gói hỗ trợ này thì cũng phải mất khoảng thời gian lâu. Vấn đề này chưa phù hợp với thực tế, rất khó có tính khả thi. Nếu kinh doanh buôn bán có hợp đồng thì được giải ngân luôn rất dễ nhưng doanh nghiệp bất động sản phải có thời gian” - ông Điệp nhấn mạnh. 

Rõ ràng, chính sách vĩ mô là đúng, trúng tuy nhiên cần phải sát với thực tế để phù hợp hơn. NƠXH, nhà cho công nhân, cải tạo cho chung cư cũ cũng cần tiền.

“Nếu có số tiền này vào thì như “đốm lửa” và sẽ lan rộng. Tuy nhiên, trong hai năm thì ngắn quá, nên cần phải tính toán lại” - vị này nói thêm. 

Trong khi đó, nói với Lao Động, một lãnh đạo tập đoàn chuyên về bất động sản cho rằng, nếu được hưởng những chính sách, ưu đãi trong thời gian này là rất quý. Tuy nhiên, trên thực tế, một doanh nghiệp bất động sản để được hưởng chính sách này thì phải làm xong các thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng, khởi công thì mới được vay. 

Theo vị này, nếu trong trường hợp dự án được hưởng gói ưu đãi không phải dự án đang làm thủ tục mà phải là các dự án đã xong thủ tục và có thể sẽ khởi công vào giữa năm hoặc cuối năm nay thì số này không có mấy.

“Để giải ngân thì doanh nghiệp phải có pháp lý và giấy phép xây dựng. Trong khi đó, mấy năm trở lại đây không có nhiều dự án được hoàn thành” - vị này chia sẻ. 

Cũng theo lãnh đạo tập đoàn này, dự án NƠXH chỉ tính bằng 20% đất của khu đô thị. Trong khi đó, 2 năm nay không duyệt, không đấu thầu được là bao nên làm gì có quỹ đất dự án NƠXH. Trong khi đó, dự án tách biệt NƠXH ở TP.Hà Nội đang có 5 khu thì đang lập quy hoạch. Từ lúc lập xong đến đấu thầu, giao chủ đầu tư thì phải mất 2-3 năm, đến lúc đó gói hỗ trợ này đã hết hạn.

Chính những băn khoăn nêu trên, các chuyên gia cũng như lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản kiến nghị rằng, trong thời gian này, nếu doanh nghiệp xin xây dựng một dự án thì các thủ tục thì phía chính quyền địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, thậm chí đối với doanh nghiệp bất động sản phải có sự “ưu tiên” để họ đáp ứng được những chính sách mà Nhà nước đưa ra. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn