MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân vẫn không đủ cung.

Tháo gỡ nhanh các vướng mắc cho việc phát triển nhà ở xã hội

Gia Miêu LDO | 08/04/2023 19:00

Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, trong khi số dự án được triển khai còn quá ít vì vướng mắc quá nhiều trong cơ chế triển khai.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều khó khăn. Thành phố đưa ra mục tiêu đến cuối năm 2025 xây mới 35.000 căn nhà ở xã hội và khu lưu trú công nhân. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội vận hành kỹ thuật với 260 căn. Còn lại 18 dự án đã đăng ký và khởi công động thổ 9 dự án nhưng hầu hết chưa triển khai. Nguyên nhân là vướng mắc Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư…

Hiện Tổ công tác của thành phố đã họp bàn và bước đầu cũng tháo gỡ được một số vướng mắc. Tuy nhiên, một số vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa được giải quyết.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bên cạnh việc tháo gỡ các khó khăn nói trên thì cần sớm có giải pháp thực tế để tăng nguồn cung nhà ở xã hội. TS Trần Du Lịch cho rằng, cần cho phép doanh nghiệp xây dựng dự án chung cư thương mại, khu đô thị mới được lựa chọn dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội hay nộp một khoản tiền tương ứng vào quỹ phát triển nhà ở xã hội của địa phương.

Song song đó, các địa phương - nhất là thành phố lớn - cần hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách, nguồn xổ số kiến thiết, thu 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, vốn ODA, nguồn huy động của nhà đầu tư trong tương lai, vốn ODA...

Làm nhà ở xã hội đang gặp quá nhiều vướng mắc trong cơ chế. Ảnh: Gia Miêu 

Theo ông Trần Du Lịch, có quan điểm cho rằng, nếu xây nhà ở xã hội xen lẫn nhà ở thương mại thì người sử dụng nhà ở xã hội sẽ không chịu nổi phí quản lý dịch vụ ở mức cao, do đó nên xây nhà ở xã hội ở những khu vực cách biệt hơn.

Bên cạnh đó, có những khu đô thị được quy hoạch xây dựng với diện tích lớn, có điều kiện xây dựng nhà ở xã hội và người sử dụng nhà ở xã hội chấp nhận được mức phí dịch vụ tương đương nhà ở thương mại thì nên làm.

Tuy nhiên, với những dự án quá nhỏ, việc xây dựng nhà ở xã hội gặp khó khăn thì nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư đóng tiền thay thế.

Bên cạnh nguồn cung nhà ở xã hội, một phân khúc cũng cần được tháo gỡ đó là nhà lưu trú cho công nhân. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành 16 công trình nhà lưu trú công nhân phục vụ người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, với tổng số phòng 3.743 phòng và đáp ứng 14.577 chỗ ở. Dù vậy, nguồn cung nhà lưu trú công nhân mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% tổng số người lao động có nhu cầu.

Báo cáo của Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, việc hạn chế này là do triển khai trong thực tế vẫn còn những bất cập. Cụ thể, không còn quỹ đất chưa khai thác, sử dụng để điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, các công trình phục vụ tiện ích người lao động khác trong ranh khu chế xuất, khu công nghiệp.

Hepza cho rằng, nhà lưu trú công nhân mà đối tượng phục vụ là người lao động dù nằm trong hay ngoài ranh cần phải được xem là nhà ở xã hội nhằm thống nhất một đối tượng dự án để hướng dẫn và quản lý. Điều khác biệt ở đây là nhà lưu trú công nhân không dùng để bán mà chỉ cho thuê. Do đó, cần quan tâm đến ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng.

Cụ thể, theo quy định về chính sách nhà ở xã hội, đất xây dựng nhà lưu trú công nhân được miễn tiền sử dụng đất. Nhưng doanh nghiệp xây dựng nhà lưu trú công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã phải thuê và thanh toán tiền thuê đất cho các công ty hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất. Cần phải có hướng dẫn cụ thể để cho doanh nghiệp được hỗ trợ trả lại tiền hoặc trừ vào nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn