MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháo gỡ pháp lí sẽ giúp khơi thông dòng bốn cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Bảo Chương

Tháo gỡ pháp lí để khôi phục thị trường vốn cho bất động sản

Gia Miêu LDO | 15/04/2023 12:55

Việc rà soát và tháo gỡ pháp lí cho dự án bất động sản sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của thị trường trái phiếu và tín dụng, 2 kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng để doanh nghiệp phát triển dự án.

TP Hồ Chí Minh đang là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và dự án bất động sản lớn, nhưng thủ tục pháp lí là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở. UBND TP Hồ Chí Minh cũng liên tục có những chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Ngày 20.2 vừa qua, TP Hồ Chí Minh chọn 7 dự án để tập trung tháo gỡ khó khăn gồm: khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp (Quận 7) của Công ty TNHH Gotec Việt Nam; dự án khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (quận Tân Phú) của Công ty Gamuda Land; dự án chung cư Cửu Long (Quận 4) của Tập đoàn CapitaLand; dự án khu phức hợp Sóng Việt (khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) của Công ty Quốc Lộc Phát; dự án khu nhà ở Thiên Lý (TP Thủ Đức); dự án 30,2ha (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức); dự án chung cư Cô Giang (Quận 1) của Tập đoàn Novaland. 

UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương phối hợp phân nhóm tháo gỡ tiếp 116 dự án bất động sản vướng mắc được Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh tổng hợp. Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân, cho biết để đẩy nhanh tiến độ của các dự án, đơn vị đã kiến nghị thành phố phân nhóm các vướng mắc của từng dự án, từ đó quy trách nhiệm cho từng sở ngành đẩy nhanh thủ tục. Hiện toàn thành phố có hơn 150 dự án vướng pháp lí đang chờ tháo gỡ. Hiện Tổ công tác của thành phố đã họp bàn và bước đầu cũng tháo gỡ được một số vướng mắc. Tuy nhiên, một số vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành trung ương vẫn chưa được giải quyết.

Nhiều dự án vẫn vướng pháp lí chưa thể triển khai. Ảnh: nguồn Gotec Land

Điều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn trong tình trạng lo lắng khi những giải pháp tháo gỡ trực tiếp cho dự án của họ vẫn chưa có kết quả cụ thể. Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn, chủ đầu tư dự án Lotus Residence tại Quận 7 cũng cho biết, nhiều lần nộp hồ sơ và chủ động liên hệ với các sở, ban, ngành với mong muốn được thực hiện nghĩa vụ tài chính, bởi do vướng mắc này mà người mua đất tại đây không thể xây dựng được.

Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm khiến khách hàng rất bức xúc, thậm chí còn tố chủ đầu tư bội tín, lừa đảo. Hiện tại, vướng mắc đang được các cơ quan chức năng tập trung xử lí, nhưng trình tự thủ tục đều phải làm lại từ đầu và từng bước một nên chưa biết khi nào mới hoàn thành. 

Trong khi đó, nhiều dự án tại TP Hồ Chí Minh từ dự án nhà ở xã hội cho đến nhà ở thương mại vẫn đứng vì các vấn đề liên quan đến việc chưa tính được tiền sử dụng đất, trong đó có một số dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên chưa làm được thủ tục cấp sổ cho cư dân.

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam nhận định, vấn đề lớn là đang có sự chồng chéo giữa các luật liên quan đến bất động sản với nhau. Nếu vấn đề này không sớm được giải quyết, thị trường vẫn khó có lối ra. Cơ quan quản lí cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lí để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích cho người tiêu dùng. Hiện các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lí là vấn đề quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn