MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chờ đợi giải pháp hiệu quả tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản. Ảnh: Bảo Chương

Tháo gỡ pháp lý dự án bất động sản cần giải pháp cụ thể

Gia Miêu LDO | 19/02/2023 11:00

Hàng trăm dự án bất động sản tại TPHCM vẫn nằm “bất động” nhiều năm nay vì những vướng mắc liên quan đến pháp lý chưa được tháo gỡ.

Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 116 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội bị vướng thủ tục pháp lý do nhiều nguyên nhân, nhiều dự án đã kéo dài từ nhiều năm qua. Đơn cử hơn 10 năm qua, Dự án Chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A - Đỗ Xuân Hợp (TP. Thủ Đức) của Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền cũng chưa thể triển khai được chỉ vì còn thiếu thủ tục giao đất.

Trong khi đó, với Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn II) của Công ty Lê Thành, theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây TPHCM, vị trí khu đất thuộc quy hoạch đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay, Dự án chưa được điều chỉnh quy hoạch cục bộ, vì Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời là, theo Luật Đầu tư mới, chỉ khi dự án phù hợp quy hoạch mới trình UBND Thành phố chấp thuận đầu tư.

Đó là hai trong số hàng trăm dự án vẫn đang "đắp chiếu" mỗi ngày, lãng phí đất đai và mỗi dự án đều có mỗi câu chuyện trớ trêu riêng về việc vấp phải rào cản pháp lý. Hàng chục cuộc họp với các lãnh đạo thành phố để lắng nghe tìm phương án giải quyết nhưng rồi mọi việc vẫn rất chậm dù các cuộc họp với đầy đủ ban, ngành, không giải quyết được vướng mắc cho bất cứ dự án nào.  

Cần sớm tháo gỡ những nút thắt về pháp lý cho dự án bất động sản. Ảnh: Anh Dũng

Trước thực trạng này, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã kiến nghị phân nhóm, tiến độ giải quyết các vướng mắc dự án. Và theo chỉ đạo mới nhất của UBND TPHCM thì các đơn vị sở, ngành liên quan khẩn trương chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm các chỉ đạo của UBND TPHCM liên quan đến các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản đến thời điểm hiện nay. Trong đó, tập trung xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.

Cụ thể, đối với các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM hoặc bộ, ngành Trung ương thì khẩn trương tham mưu UBND TPHCM hướng giải quyết. Đồng thời, có kế hoạch, thường xuyên trao đổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản có dự án vướng mắc để hướng dẫn thực hiện.

Đối với các nhóm dự án có vướng mắc liên quan đến Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán, giao các đơn vị liên quan khẩn trương theo dõi, đôn đốc và cập nhật tiến độ cho Hiệp hội Bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản.

Đối với các nhóm dự án có vướng mắc liên quan đến thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo Luật Đầu tư (nhóm dự án mới): Giao Sở Kế hoạch Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị dự họp, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất UBND TPHCM giải quyết các vướng mắc hiện nay. Thực hiện trong tháng 2-2023.

Trước mắt đầu tuần tới, UBND TPHCM đã mời 6 doanh nghiệp có 7 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc trên địa bàn đến họp cùng các cơ quan quản lý để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Ý kiến của nhiều doanh nghiệp bất động sản khi được hỏi, họ chỉ mong muốn vấn đề cần giải quyết hiện nay đó là phải tăng tính minh bạch của khung pháp lý, rút gọn, giản lược khâu thủ tục để dự án nhanh chóng được triển khai, đưa sản phẩm ra thị trường, tránh tồn đọng vốn kéo dài vì các chi phí tài chính sẽ dồn hết lên vai chủ đầu tư, nhưng người tiêu dùng cuối mới là người phải gánh chịu những chi phí này khi chủ đầu tư dồn hết vào giá bán.

Luật sư Nguyễn Thanh Nhã, Văn phòng luật DBS cho rằng, hành lang pháp lý lĩnh vực này hiện có nhiều điểm vướng mà chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều và các tồn tại nằm trên luật, chứ không nằm trên các thông tư, nghị định. Chẳng hạn, về việc giao đất, trong luật chỉ có một hình thức giao đất là đấu giá đối với các dự án bất động sản, còn đấu thầu dự án có sử dụng đất thì chưa có quy định. Hay như việc chấp thuận dự án đầu tư, trong Luật Nhà ở quy định chỉ cần có đất ở và các loại đất khác được phép chuyển nhượng là được chấp nhận. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai, đến giai đoạn giao đất thì không làm được như vậy và bị tắc… Cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc sửa luật và trước mắt, có thể ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để các dự án sớm được triển khai trở lại, tạo nguồn cung mới cho thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn