MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập ngăn nước nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5

Khóc, cười ở nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5

XUÂN NHÀN LDO | 05/09/2014 19:08
Bên trái sông Kôn, khu vực làng O3 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) những ngày đầu tháng 9 sôi động không khí công trường chạy đua với lũ. Có những cỗ máy đào, máy xúc kềnh càng từ Quy Nhơn vừa lên trong đêm. Trước đó, ngày 15.8, tại cuộc họp liên ngành ở Sở Công Thương, mô hình bờ kè O3 được định đoạt khi Cty CP đầu tư Vĩnh Sơn gật đầu trước phương án bêtông ximăng toàn tuyến, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm khoảng 6 tỉ đồng đổ ra nhằm hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng kéo dài suốt mấy năm qua…

Lên bờ xuống ruộng

Ông Lương Công Lũy - Giám đốc Cty CP xây lắp công nghiệp Bình Định - thở ra: “Tranh cãi triền miên, song phương mệt mỏi. Giờ đã đến lúc hạ màn”. Ông Lũy là chỉ huy cao nhất của công trình thi công bờ kè hạ lưu chân đập chạy dọc làng O3 và cũng là người chứng kiến mối quan hệ giằng co, thậm chí có lúc nảy lửa, giữa chủ đầu tư dự án thủy điện Vĩnh Sơn 5 (Cty CP đầu tư Vĩnh Sơn) với chính quyền huyện, xã. 

Gay gắt tới mức, UBND huyện Vĩnh Thạnh tuyên bố bảo lưu kiến nghị đòi tạm dừng hoạt động phát điện của nhà máy. Ý chí ấy rõ ràng không dễ chịu để có thể được thông qua. Chỉ e ngại, nó đủ sức mạnh phủ cái bóng âm u lên nỗi khát khao một kết cục tốt đẹp, “tình thương mến thương” từ những người như ông Lương Công Lũy.

Khó thống kê hết đã có bao nhiêu giấy mực tiêu tốn vì Vĩnh Sơn 5. Chuyện bắt đầu từ những năm 2010, 2011, thời điểm thi công đoạn kênh dẫn nước về nhà máy. Đất đá đào lên, thay vì chuyển về bãi chứa theo quy hoạch, nhà thầu đã biến nhiều điểm dọc triền sông Kôn thành nơi xả thải. 

Hàng trăm ngàn mét khối đất đá được các Cty Lũng Lô, Sông Đà trút đổ xuống làng Đak Tra, mà nói cho công bằng, đã góp một phần tạo ra da thịt cho ngôi làng ngày nay. “Địa hình một bên núi, một bên sông của Đak Tra khá hiểm trở để tập trung, bố trí dân cư. Bà con nhiều người nhờ đổ đất, tôn tạo nền móng để có mặt bằng làm nhà, mở mang vườn tược. Hành động đổ thải tự phát, dù sao, nên được ngăn chặn. Hồi ấy, tôi đang còn tối mắt tối mũi, rạc rài chạy vốn” - Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư Vĩnh Sơn Đỗ Phong Thu điểm lại “lịch sử vấn đề”. 

Điều phải đến đã đến, Vĩnh Sơn 5 lập tức lãnh đòn choáng váng. Ngày 1.9.2011, UBND tỉnh Bình Định ký quyết định tạm dừng thi công. Dự án gần như bị đặt trong tình trạng giám sát đặc biệt, liên tục và riết róng. Mãi đến tháng 3.2012, Vĩnh Sơn 5 mới được “tháo khoán” một phần sau chuyến thị sát của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng. 

Ông Tùng đánh giá chủ đầu tư “dù khắc phục chưa nhiều” nhưng cũng đã tích cực “tạo thông thoáng cho dòng chảy sông Kôn, kè đá chống xói lở làng Đak Tra, mở rộng lòng sông khu vực suối Nước Mật…”. 

UBND tỉnh được yêu cầu trao cơ hội “vừa làm vừa sửa” cho Vĩnh Sơn 5. Ngày 13.3.2012, một văn bản như vậy ra đời, làm sống lại niềm hy vọng cho những cổ đông góp vốn. Cuối tháng 12.2013, nhà máy có công suất 28MW phát lên lưới những dòng điện đầu tiên.

Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để nói tới mối quan hệ cơm lành, canh ngọt giữa doanh nghiệp với nhà chức trách địa phương. Trong khi chủ đầu tư than vắn, thở dài rằng họ theo thảm đỏ lên đây không lẽ để bị khó dễ, thì Vĩnh Thạnh cũng cự nự bằng lý lẽ của mình “huyện chẳng được gì mà cứ phải mang vác quá nhiều phiền phức”. Như một cặp vế đối kinh điển, hai bên đối chọi nhau “trên từng cây số”, từ đường sá đi lại, nước nôi sinh hoạt đến vệ sinh môi trường. Trận lũ lịch sử trung tuần tháng 11.2013 cuốn trôi 3 ngôi nhà ở làng O3, làm hố sâu ngăn cách càng thêm lở lói. 

Bên dẫn số liệu thủy văn (3.200m3/s) diễn tả tai trời ách đất khiến ngay công trình của họ cũng bị tổn thương, bên lục lại ký ức phản bác rằng, lũ vẫn chưa đủ kinh hoàng như những năm 1984, 1996… Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư Vĩnh Sơn Đỗ Phong Thu bấm đốt ngón tay: “Chi phí khắc phục tồn tại trong quá trình thi công và những phần việc khác theo yêu cầu của chính quyền địa phương lên đến 13,7 tỉ đồng. Sẽ còn 7,5 tỉ nữa cho những hạng mục kế tiếp. Tôi giờ ở vào thế đã lỡ, như cưỡi lên lưng cọp”. Ông Thu tính chưa hết. Còn phải cộng thêm gánh nặng tài chính đến từ phương án kiên cố hóa bìa làng O3, mà nói như đại diện thi công Lương Công Lũy: “Sẽ có chất lượng tương đương bờ kè hạ lưu hồ Định Bình - công trình thủy lợi có sức chứa 226 triệu mét khối”. 

“Chúng tôi huy động toàn lực cả người lẫn phương tiện. Chắc chắn sẽ xong trước 31.9 để O3 kịp đón mùa mưa” - ông Lũy cam kết. Éo le là O3 chẳng phải chướng ngại cuối cùng. Hãy nghe một đoạn nhận xét từ Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Lê Văn Đẩu: “Việc khắc phục của chủ đầu tư chưa đến nơi đến chốn. Có việc còn mang tính đối phó…”. Rất gay!

 

Thi công bờ kè Q3

“Cho người ta con đường sống”

Ông Lê Đăng Dung là gương mặt kỳ cựu của Đak Tra. Năm nay 62 tuổi, người đảng viên già này nói đã sống ở Vĩnh Kim từ năm 1995, khi trạm thủy văn đi vào hoạt động. Nghỉ hưu, ông quay sang làm kinh tế tư nhân rồi dành thời gian chăm sóc mảnh vườn rộng chừng 1ha. 

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra bên cạnh những trụ tiêu nhiều tuổi cùng hệ thống tưới tự chảy bung nước trắng xóa. “Tôi thấy nhiều thứ chẳng đáng phải nặng nề” - ông bày tỏ - “Đã cấp phép làm thủy điện thì ảnh hưởng môi trường là khó tránh khỏi. Nước có ít đi, cá không nhiều như trước, nhưng bảo rằng sông chết thì là nói quá. Nhà tôi sát sông, các anh ra nhìn mà xem. Việc dọn dẹp tàn tích xả thải cũng vậy. Hôm tiếp xúc cử tri, lời qua tiếng lại cũng chỉ còn 2 điểm cạnh nhà Bá Chuẩn và trường tiểu học mà thôi. Công ty hứa khắc phục, có gì nghiêm trọng lắm đâu. Tôi đã nói rồi, làm gì thì làm, cũng nên chừa cho người ta con đường sống. Như chuyện đòi xây cầu cho ôtô vận chuyển hàng nông sản qua kênh song song với 4 cây cầu đi bộ hiện có. Nói vậy nghe được sao? Giờ mới trồng bạch đàn, 5 năm nữa mới thu hoạch thì chuyên chở cái gì. Chừng đó mà chưa có cầu hẵng la”. 

Ý kiến của ông Dung được Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Kim Đinh Minh Lê chia sẻ. “Đền bù, thay đổi nguồn nước, san gạt mặt bằng, dọn hốt sạt lở… bấy nhiêu cho thấy nhà đầu tư đã rất nỗ lực. Phần “tồn đọng” không nhiều. Có cái làm trước, có cái làm sau, chứ mắc mớ chi buộc họ phải bung ra đồng loạt? Phần gai góc nhất nằm ở bờ kè sau chân đập thì hiện đang được khai thông. Gì cũng đổ do dân kêu, nhưng gặp gỡ cử tri, tôi biết dân không than phiền nhiều như thế. Theo tôi, ở đây có sự can dự của yếu tố cá nhân; ăn ở, đối xử với nhau làm sao đó, bằng mặt, không bằng lòng...” - ông Lê với kiểu ăn chắc nói thiệt, chân chất, thẳng tưng của người Ba Na bản địa, bày tỏ thái độ không ngại va chạm.

Từ chỗ ông Đinh Minh Lê bước xuống, không khí phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Lê Công Chính đã khác như trời với vực. Ông Chính cũng thẳng thừng không kém: “Tôi đối đầu với mấy ảnh. Làm thì chậm chạp, tinh thần trách nhiệm không cao”. Chủ tịch Vĩnh Kim đưa ra hai văn bản ký cùng ngày 6.8 biểu thị việc “thống nhất không di dời làng O3 sang nơi ở mới” và danh mục hàng loạt đầu việc cần gia tăng sức ép. Rõ ràng, vụ việc đang diễn biến theo chiều tiền-hậu bất nhất. Mới đây, từ trên xuống dưới chẳng phải đã từng “thống nhất” về sự cần thiết phải dịch chuyển toàn bộ làng O3 hay sao? Chuyện “trả lại con đường” mới thực sự khiến thầy trò ông Đỗ Phong Thu vò đầu bứt tai. Bên trên chúng tôi đã nhắc tới kết luận của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng. Nguyên, khi đào kênh xả nhà máy, Cty CP đầu tư Vĩnh Sơn đã phá dỡ cây cầu đoạn suối Nước Mật. 

Chỉ đạo của ông Tùng liên quan đến “tình tiết” trên như sau: “Theo thiết kế công trình đã được duyệt, cây cầu cũ nằm giữa lòng kênh xả, vì vậy không thể xây lại (như trước). Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo nhà đầu tư xây dựng tuyến đường tránh bảo đảm giao thông sao cho thuận tiện nhất”. Đường tránh làm xong, tiêu chuẩn kỹ thuật không kém cạnh, nếu không nói là hơn các trục đường trong khu vực, nhưng với Vĩnh Thạnh thì nó có cũng bằng không. Nại rất nhiều lý do, UBND huyện trước sau như một đòi Vĩnh Sơn 5 phải “xây dựng lại cầu bắc qua kênh xả, trả lại đoạn đường theo hướng tuyến ban đầu”!

Phó Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư Vĩnh Sơn Nguyễn Văn Sáu kêu trời: “Chúng tôi phải làm sao đây? Sạt lở núi tận đẩu tận đâu, họ cũng trói trách nhiệm Vĩnh Sơn 5 vô… bắt đền. Trận lũ lớn năm ngoái, lúc họ khen thưởng chúng tôi, lúc họ coi chúng tôi như tội nợ”.

Gợi ý dành cho bạn