MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản đang bước vào một chu kỳ mới. Ảnh: Gia Miêu

Thị trường bất động sản cần thêm trợ lực về dòng vốn cho giai đoạn hồi sinh

Bảo Chương LDO | 19/02/2024 17:06

Chu kỳ mới của thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ hoàn toàn khác khi nhà ở vừa túi tiền được dự báo lên ngôi cùng với nhà ở xã hội để giải quyết thanh khoản.

Những tín hiệu hồi phục

Thị trường bất động sản đang xuất hiện nhiều hơn những tín hiệu hồi phục, các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng nguồn hàng để tìm kiếm cơ hội phục hồi kinh doanh. Điều người mua nhà quan tâm hiện nay là làm thế nào để giá nhà hợp lý hơn để họ có thể tìm được chốn an cư phù hợp với thu nhập.

Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, hơn 4 năm gần đây, giá chung cư đã tăng tới 77%. Theo đó, quý IV/2023, giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư là 54 triệu đồng/m2, tăng trong 19 quý liên tiếp và tăng hơn 77% so với quý I/2019.

Trước thực trạng bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm, từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá sản phẩm; có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả đối với việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.

Giảm giá nhà là bài toán không dễ tìm ra lời giải. Tuy nhiên, chính sách điều hành của Chính phủ đang từng bước phát huy hiệu quả, điều chỉnh thị trường bất động sản về vùng ổn định. Trong đó, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điều chỉnh theo hướng tích cực, lành mạnh và minh bạch thị trường.

Đây sẽ là động lực hứa hẹn sẽ tạo chuyển biến lớn cho thị trường bất động sản. Từ đó giúp "sức khỏe" của các doanh nghiệp tốt hơn, thị trường dần hồi phục. Có thể thấy, việc các doanh nghiệp đang tập trung vào bất động sản nhà ở, đặc biệt là những dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, phân khúc chung cư trung cấp và bình dân là khả quan, phù hợp với nhu cầu thị trường.

4 giải pháp khơi thông nguồn vốn

Bên việc cơ cấu lại sản phẩm để tạo thanh khoản thì câu chuyện dòng vốn cho doanh nghiệp bất động sản vẫn đang được nói đến rất nhiều.

Theo nhận định của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), dù có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn đã được Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn phải đối mặt với thực trạng “khát tiền".

VARS kiến nghị 4 giải pháp khơi thông nguồn vốn.

Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước cần quyết liệt tập trung tháo gỡ nút thắt pháp lý. Sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi để tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án ách tắc tái khởi động, tạo cơ sở để cơ quan quản lý địa phương phê duyệt dự án mới.

Đặc biệt là phân khúc đang có nhu cầu rất lớn là nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, từ đó thúc đẩy thanh khoản, giúp các doanh nghiệp có nguồn thu để trả nợ, cân đối tài chính và để dòng tiền luân chuyển dựa trên đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.

Thứ hai, nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho phân khúc nhà ở bình dân, với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển và tăng sức mua cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cận trung bình.

Thứ ba, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế để cải thiện minh bạch thông tin và đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại.

Thứ tư, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), cần có các cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản - REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...) hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn