MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn trong giệc cải thiện thanh khoản. Ảnh: Bảo Chương

Thị trường bất động sản chịu áp lực lớn về dòng tiền

Bảo Chương LDO | 19/09/2023 16:04

Dòng tiền vẫn đang là bài toán nan giải với hầu hết doanh nghiệp bất động sản khi các kênh huy động quan trọng vẫn chưa thể khơi thông.

Tháng 7.2023, Batdongsan.com.vn đã đưa ra những dữ liệu thực tế, cho thấy sau đà giảm về nguồn cung và nhu cầu suốt nửa đầu năm 2023, thị trường địa ốc bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu ấm dần. Cụ thể, mức độ quan tâm đến bất động sản bán trên cả nước tăng 6%, lượng tin đăng bán bất động sản tăng 4% so với tháng 6. Trong tháng 8 vừa qua, những chỉ số này tiếp tục tăng. Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn phản ánh nhu cầu tìm mua bất động sản toàn quốc tăng trung bình 5% so với tháng 7, lượng tin đăng bán bất động sản cũng tăng 2%. Như vậy, thị trường đã có 2 tháng liên tiếp chứng kiến nhu cầu tìm kiếm và lượng tin đăng bán bất động sản đều tăng.

Đáng chú ý, trong tháng 8.2023, tại thị trường Hà Nội, đất nền là loại hình có nhu cầu tìm mua tăng cao nhất - tăng 12% so với tháng liền trước. Chung cư, nhà riêng, nhà mặt phố, biệt thự Hà Nội cũng có mức độ quan tâm tăng từ 7% - 9%. Tuy nhiên, lượt tìm kiếm đất dự án lại giảm 7% so với tháng 7, cho thấy loại hình này cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Tại TPHCM, tháng vừa qua, nhu cầu tìm mua tăng cao nhất đối với nhà mặt phố và biệt thự (tăng 7%). Mức độ quan tâm tới chung cư, nhà riêng và cả đất dự án TPHCM vẫn duy trì nhịp tăng ổn định, từ 2% - 4% so với tháng 7. Đất nền là loại hình duy nhất có lượt quan tâm giảm nhẹ 1%.

Tuy nhiên câu chuyện áp lực dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể vơi đi. Nhiều chính sách tháo gỡ đã được đưa ra nhưng đến thời điểm này, dòng tiền vẫn đang là bài toán nan giải với hầu hết doanh nghiệp bất động sản khi các kênh huy động quan trọng như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp hay từ người mua trả trước đều “trục trặc”. Dữ liệu của Wichart cho thấy, giá trị hàng tồn kho nửa đầu năm 2023 tại hơn 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh bất động sản đạt hơn 425.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 18 tỉ USD). Trong đó, 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn là Novaland, Vinhomes, Becamex IDC, Nam Long, Đất Xanh, Khang Điền, Kinh Bắc, Phát Đạt, DIC Corp và An Gia chiếm gần 294.000 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2022 nhưng tăng gần 29% so với cuối năm 2021.

Trong hơn 2 tháng qua, dù thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục, nhưng thanh khoản ít có sự biến chuyển. Chẳng hạn, tại TPHCM và vùng phụ cận, thống kê từ DKRA Vietnam cho thấy, lượng tiêu thụ chỉ đạt vài trăm giao dịch/tháng, chưa bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2022. Vào thời điểm này, các chủ đầu tư vẫn đang nỗ lực thực hiện các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, quà tặng mở bán… nhằm kích cầu thị trường. Ghi nhận thực tế cho thấy, gần đây, một số chủ đầu tư ra mắt các giỏ hàng mới với lượng đặt cọc đạt trên 90%, nhưng con số này chưa thể phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh quý III/2023 nên khả năng luân chuyển dòng tiền của doanh nghiệp sẽ còn hạn chế và điều này được thể hiện rõ nét trong mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 tới đây.

Cần lưu ý rằng, tháng 9 là một trong những tháng có giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong cả năm 2023, với khoảng 41.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn. Danh sách các doanh nghiệp địa ốc chậm thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu đang kéo dài thêm khi có khoảng 70 cái tên nằm trong danh sách này tính đến ngày 24.8.2023.

Nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với chủ sở hữu trái phiếu để gia hạn thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, về cơ bản, động thái này chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian ổn định sản xuất - kinh doanh, tái cơ cấu nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn