MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lượng giao dịch bất động sản vẫn còn ít. Ảnh: Cao Nguyên

Thị trường bất động sản đang "trong trận kéo co" căng thẳng

Cao Nguyên LDO | 12/07/2023 06:15

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.

Giao dịch thành công chỉ đạt hơn 36% so với 6 tháng cuối năm 2022

Theo Bộ Xây dựng, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng giao dịch có khoảng 187.000 giao dịch thành công, đạt 36,13% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Trong quý II/2023, các chuyên gia phân tích, trong những lí do mà nhà đầu tư cần rao bán bất động sản, có 49% là để cơ cấu lại danh mục đầu tư, 23% là do không có nhu cầu sử dụng nên rao bán lại và chỉ 22% trong đó là do kẹt tài chính, phải sang nhượng để giải quyết vấn đề kinh tế. Còn lại là những lí do khác.

Theo lí giải, chính vì nhóm người bán cần thoát hàng do khó khăn tài chính không cao, nên 80% trong đó cho biết, họ vẫn nuôi kì vọng sẽ bán ra bất động sản với mức có lời, lợi nhuận dao động trên dưới 10%.

Chia sẻ với PV Lao Động, TS Trần Xuân Lượng - Chuyên ngành bất động sản - Đại học kinh tế Quốc dân - cho rằng, thực chất nhiều người chỉ đang cố tình theo "trend" cắt lỗ để bán hàng còn giá vẫn trên trời so với giá mặt bằng của thị trường.

Anh Nguyễn Hữu Tùng - một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Hà Nội - cho hay, hiện tượng cắt lỗ hay bán tháo bất động sản chưa diễn ra toàn diện trên thị trường. Đa số các lô đất bán ra thời điểm này là của những nhà đầu tư đang kẹt dòng tiền và những người này đang mất niềm tin và thị trường.

Riêng với các nhà đầu tư không dùng đòn bẩy tài chính vẫn giữ hàng, không hạ giá. Thậm chí, những người có vay ngân hàng nhưng không quá kẹt tài chính, họ vẫn không chịu bán ra.

Một số chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản đang "trong trận kéo co" căng thẳng giữa bên bán và bên mua. Phía bên mua muốn mức giá bất động sản tiếp tục giảm càng sâu càng tốt. Trong khi đó bên bán thì vẫn cố để giữ được giá, duy trì được lợi nhuận.

Ai có lợi thế?

Đánh giá về thế giằng co trên thị trường bất động sản hiện nay, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết, lợi thế nhiều hơn về bên mua. Điều này thể hiện ở một số điểm đang diễn ra trên thị trường theo hướng có lợi cho người mua.

Cụ thể, giá bất động sản cơ bản chững lại, không tăng như là những giai đoạn trước. Thậm chí một số dự án chủ đầu tư chiết khấu ở mức 10-20%. Thậm chí có những chủ đầu tư phải chiết khấu lên tới 40%.

Ngoài ra, lãi suất ngân hàng cho vay đang giảm so với trước đây mặc dù vẫn ở mức tương đối cao. Cuối cùng, trong bối cảnh thanh khoản thị trường thấp, chủ đầu tư các dự án cũng tung ra các gói ưu đãi, chương trình khuyến mãi, hỗ trợ đến khách hàng.

Ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản EZ - lại cho rằng, để đánh giá lợi thế nghiêng về người mua hay người bán sẽ phụ thuộc vị thế tài chính cũng như từng phân khúc bất động sản.

Giai đoạn hiện tại, khi tiền mặt là vua, bên nào nắm giữ tiền mặt sẽ là người nắm thế chủ động. Họ có thể lựa chọn từ mua sơ cấp chủ đầu tư, thậm chí lựa chọn mua thứ cấp của những người cắt lỗ giai đoạn trước.

TS Trần Xuân Lượng nói thêm, nhìn sâu vấn đề thị trường hiện nay cả người mua và người bán không ai được lợi. Những người mua có nhu cầu mua ở thực nhưng khó tiếp cận vì giá vẫn còn rất cao. Với lãi suất ngân hàng cao, họ cũng khó dùng đến đòn bẩy tài chính. Hiện nay các giao dịch mua bán là của các nhà đầu tư đi gom hàng với số lượng nhỏ.

“Nhìn trên bề mặt có thể thấy người mua có lợi thế hơn nhưng về tổng quan thị trường hai bên vẫn đang ở trong thế giằng co như nhau. Chính vì sự giằng co này nên thị trường không có nhiều giao dịch” - ông Lượng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn