MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản đang có nhiều cơ hội để phục hồi. Ảnh: Cao Nguyên

Thị trường bất động sản không khủng hoảng mà do khó khăn chung của thế giới

CAO NGUYÊN LDO | 28/09/2023 14:25

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ, thị trường bất động sản hiện nay không khủng hoảng mà do khó khăn chung của thế giới. Đây là khủng hoảng niềm tin, không phải khủng hoảng thị trường.

Tại "Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất - Dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư" diễn ra ngày 28.9, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, một năm vừa qua, thị trường bất động sản rất khó khăn. Lúc này là thời cơ rất thuận lợi để bàn thảo những vấn đề về hồi phục thị trường.

Cụ thể, ông Lực phân tích về kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới và Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn.

“Lạm phát và lãi suất không còn tăng và đang giảm dần. Tính đến tháng 8, lạm phát đã duy trì được mức 4,57%. Các vướng mắc về pháp lý, thể chế cũng đang dần được tháo gỡ và thực thi”, ông Lực nói.

Cũng theo vị này, quy hoạch các cấp đang hoàn thiện; đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh. 8 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đã đạt hơn 352 nghìn tỉ đồng.

Nghĩa vụ tài chính trong tầm kiểm soát và tiếp cận vốn được duy trì. Cuối cùng, cung - cầu giảm và giá tiến tới cân bằng hơn, phù hợp hơn. Từ đó, TS. Cấn Văn Lực khẳng định đây không phải giai đoạn khủng hoảng, mà là giai đoạn thanh lọc.

TS. Cấn Văn Lực. Ảnh: Anh Huy

Theo vị chuyên gia này, các tổ chức quốc tế đều nhận định kinh tế năm nay khó khăn, năm sau sẽ sáng sủa hơn. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt, dự báo từ 5-5,5%, năm tới dự báo khoảng 6,5%.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, trước đây, thị trường, doanh nghiệp chờ đợi Chính phủ tháo gỡ nhưng hiện nay doanh nghiệp và Chính phủ đồng hành để giải quyết vấn đề còn tồn tại.

Ông Hoàng Hải nói, qua làm việc với tổ công tác của Chính phủ, Cục nhận thấy vẫn còn những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là vướng mắc pháp lý, đặc biệt liên quan đến quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, đấu giá đất. Ngoài ra, còn vướng mắc pháp luật về quy hoạch như quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Về quản lý tổ chức của các địa phương, ông Hải nói rằng còn nhiều thiếu sót, bệnh sợ trách nhiệm. Cuối cùng, một số thông tin không chính xác về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu tràn lan dẫn đến tâm lý người dân e ngại, nghe ngóng, chuyển sang kênh đầu tư khác, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Hương - Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường (Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam) nói, từ các số liệu nghiên cứu, thị trường bất động sản Việt Nam đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức chưa từng có.

Theo bà Hương, trong bối cảnh khó khăn ấy, vẫn có những doanh nghiệp bất động sản còn bám trụ trên thị trường và có hành trình tái cấu trúc mạnh mẽ, nỗ lực rất lớn bằng sự kiên tâm, sáng tạo, đổi mới để đem lại những luồng sinh khí mới thúc đẩy thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn