MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản đang khan hiếm nguồn cung mới. Ảnh: Bảo Chương

Thị trường bất động sản TPHCM vắng bóng nguồn cung mới

Bảo Chương LDO | 31/03/2024 07:41

Thị trường bất động sản TPHCM được dự báo tiếp tục khan hiếm nguồn cung bởi vấn đề pháp lý trong ngắn hạn chưa được giải quyết triệt để.

Báo cáo của DKRA Group về thị trường bất động sản 2 tháng đầu năm ở TPHCM và vùng phụ cận cho thấy, ở phân khúc căn hộ có 6 dự án mở bán. Tuy nhiên cả 6 dự án này đều thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo. Nguồn cung mới có 440 căn, giảm 34% so với cùng kỳ, lượng tiêu thụ mới đạt 247 căn, đạt tỷ lệ 56%. Trong đó, tháng 1 có 384 căn, tiêu thụ 228 căn; tháng 2 chỉ có 56 căn, tiêu thụ được 19 căn.

Về giá bán sơ cấp, tại TPHCM ghi nhận mức giá cao nhất lên tới 82 triệu đồng/m2, thấp nhất là 52,5 triệu đồng/m2. Bình Dương mức giá cao nhất là 48,7 triệu đồng/m2, thấp nhất 35,5 triệu đồng/m2. Bà Rịa - Vũng Tàu có mức giá cao nhất là 52,8 triệu đồng/m2, thấp nhất ở mức 48,3 triệu đồng/m2.

"Các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, quà tặng mở bán… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, song ghi nhận cục bộ mức tăng 3-6% ở một số dự án tại TPHCM có pháp lý hoàn chỉnh, tiến độ xây dựng, bàn giao nhanh chóng", DKRA Group cho biết.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án của DKRA Group nhận định, năm nay thị trường bất động sản tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới bởi vấn đề pháp lý trong ngắn hạn chưa được giải quyết triệt để. Thanh khoản là vấn đề lớn cần chủ đầu tư giải quyết trong bối cảnh tâm lý e ngại, thiếu niềm tin của nhà đầu tư. Ưu tiên hàng đầu của các chủ đầu tư trong năm nay vẫn là dòng tiền.

Câu chuyện gỡ vướng pháp lý cho các dự án dù lãnh đạo TPHCM đã rất nỗ lực nhưng có thể thấy nguồn cung dự án mới vẫn gặp khó khăn. Thông tin tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội TPHCM mới đây, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong quý I, thành phố có 2 dự án bất động sản nộp hồ sơ thông báo đủ điều kiện huy động vốn. Tuy nhiên, cả 2 dự án này đều không đủ điều kiện theo quy định.

Thực tế trên cho thấy, dự án mới có mong muốn mở bán nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định. Trong dài hạn, yếu tố pháp lý dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung khi theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022 có hai dự án nhà ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư. Năm 2023 có hai dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư và quý I/2024 chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư còn vướng các thủ tục về nghĩa vụ tài chính, đất đai, quy hoạch, thậm chí có dự án phải rà soát lại pháp lý dự án, nguồn gốc đất… Do đó, khi Sở Xây dựng xem xét đủ điều kiện huy động vốn thì các dự án nhà ở thuộc các trường hợp này sẽ không đáp ứng.

Theo Sở Xây dựng, tại thời điểm cuối năm 2022, UBND TPHCM có giao Sở Xây dựng tổng hợp tiến độ, kết quả giải quyết đối với 148 dự án nhà ở, với 189 kiến nghị do Hiệp hội Bất động sản TPHCM tổng hợp và kiến nghị. Trong đó, liên quan chức năng xử lý của Sở Xây dựng là 19 kiến nghị (chiếm 10%). Đến quý III/2023, thành phố đã giải quyết được 52/189 kiến nghị (đạt 27,5%), trong đó Sở Xây dựng đã giải quyết được 16/19 kiến nghị liên quan đến chức năng của Sở Xây dựng (đạt 84%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn