MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc kết nối tuyến metro đến Biên Hoà sẽ tạo sức nóng cho thị trường bất động sản vùng ven khu vực phía Đông Sài Gòn

Thị trường bất động sản vùng ven TPHCM: Cơn sóng ngầm phía Đông

Gia Miêu LDO | 04/01/2018 17:49
Thông tin tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được chính thức kéo dài đến thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang tạo ra sức “nóng” cho thị trường bất động sản vùng ven tại các khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến dự án hạ tầng này như Biên Hòa hay Dĩ An (Bình Dương).

Xu hướng “di cư ngược”

Là một siêu đô thị, đến thời điểm hiện nay, dân số cơ học tại TP.HCM đã tăng lên mức 13 triệu dân. Đây là yếu tố tiềm năng cho thị trường bất động sản phát triển, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quy hoạch, phát triển đô thị và đáp ứng chỗ ở cho người dân.

Thực trạng hiện nay ở thành phố này là nhu cầu nhà ở tăng cao, trong khi quỹ đất để phát triển dự án nhà ở ngày càng hạn hẹp. Chính vì vậy, thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện làn sóng người mua tiến về các tỉnh vùng ven, nơi có hạ tầng kết nối thuận lợi với TP.HCM và giá còn mềm hơn để thực hiện giấc mơ an cư. Trong số những khu vực được nhiều người có nhu cầu nhà ở nhắm đến nhiều nhất hiện nay là Bình Dương và Đồng Nai - 2 địa phương có khá nhiều công trình hạ tầng kết nối với TP.HCM.

Theo Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, tính tới hết 2016, Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở cung cấp gần 30.200 căn/nền trên thị trường lẫn sơ cấp và thứ cấp. Các dự án nhà ở tập trung chủ yếu tại các huyện nằm liền kề với TP.HCM. Ngay tại tỉnh được cho là thị trường khó khăn nhất là Bình Dương khi thị trường bất động sản tại đây đang đứng im, nhưng tại những vị trí như huyện Dĩ An đã có dấu hiệu hồi sinh. Đây là địa phương tiếp giáp với TP.HCM và có trục đường Phạm Văn Đồng, nối TP.HCM với Bình Dương, nên thị trường bất động sản Dĩ An đã có những chuyển biến tích cực.

Khu đô thị Long Hưng Đồng Nai nằm trong vùng kết nối hạ tầng với TP.HCM
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs, đơn vị phân phối Dự án Khu đô thị Long Hưng (Biên Hòa) cho biết, sự khác biệt của thị trường bất động sản vùng ven thời gian qua so với trước đây là thay vì khách hàng chủ yếu mua để đầu tư, thì hiện phần lớn khách hàng mua đất vì nhu cầu ở thật. Do nhu cầu lớn đã dẫn đến việc đất Biên Hòa gần đây tăng cao rất nhanh.

Nếu như giai đoạn đầu tư dự án Long Hưng chỉ bán ra 7,5 đến 8 triệu đồng/m2 thì hiện tại giá tăng đến 14 triệu đồng/m2. Không chỉ dự án Long Hưng, tại khu vực trung tâm thành phố Biên Hòa, giá đã tăng khá mạnh, có những tuyến đường đạt mức giá không thua kém đất ở các quận trung tâm của TP.HCM.

Giãn dân - tầm nhìn chiến lược

Trong chiến lược phát triển của mình, lãnh đạo TP.HCM đã nhìn nhận sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính, trong đó các khu vực giáp ranh TP.HCM như Dĩ An, Lái Thiêu (Bình Dương) hay TP.Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai) sẽ là mục tiêu trọng tâm của các khu đô thị vệ tinh trong xu thế giãn dân này.

Cụ thể, chiến lược trước hết được đặt ra cho xu hướng này là phải phát triển hệ thống giao thông hạ tầng kết nối liên vùng, đồng bộ. Sau thời gian tính toán, mới đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận phương án kéo dài tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Suối Tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến Biên Hòa (Đồng Nai) và Dĩ An (Bình Dương). Phương án này cũng đã được sự chấp thuận của UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Dương, cũng như phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

Tuyến đường sắt đô thị từ ga Suối Tiên đến tỉnh Đồng Nai và Bình Dương khi được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại giữa TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Đồng thời, thu hút thêm lượng hành khách vận chuyển trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, thúc đẩy phát triển đô thị dọc tuyến, góp phần làm giảm sự quá tải giao thông tại các trục đường phía Đông Bắc của TP.HCM.

Hạ tầng kết nối giữa vùng ven và trung tâm thành phố ngày càng hiện đại sẽ tạo sức bật cho thị trường bất động sản ở khu vực này

Không chỉ kéo dài tuyến metro số 1 tới Biên Hòa, Dĩ An, thời gian qua đã có hàng loạt công trình hạ tầng kết nối liên vùng giữa TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương được đầu tư xây dựng như tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án kết nối từ Quốc lộ 51 thuộc địa phận Biên Hòa với cao tốc hướng về TP.HCM, hay dự án cầu Cát Lái nối quận 2 của TP.HCM với Nhơn Trạch của Đồng Nai đã được thông qua chủ trương. Đây đều là những công trình mang tính đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế liên vùng và có ý nghĩa lớn với sự phát triển của thị trường bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn