MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu nhà ở giá rẻ, nhà ở thực trên thị trường vẫn lớn. Ảnh: Cao Nguyên.

Thị trường đang thực sự khủng hoảng thiếu hụt nhà ở giá rẻ

ANH HUY LDO | 21/11/2023 16:35

Tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ cũng là một trong những giải pháp “phá băng” cho thị trường, đặc biệt hướng đến sự phát triển cân đối, ổn định khi đáp ứng nhu cầu thực.

Trao đổi với Lao Động chiều 21.11, chị Bùi Thị Vân Anh (28 tuổi, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết nhiều tháng qua liên tục tìm kiếm thông tin các dự án căn hộ mở bán mới ở Hà Nội và hỏi môi giới tư vấn.

Vợ chồng chị mới cưới được nửa năm, lần đầu mua nhà nên muốn tìm dự án mới, chấp nhận ở huyện vùng ven. Tuy nhiên, với tài chính khoảng 1,6 tỉ đồng, chị chưa tìm được căn hộ mới hai phòng ngủ giá dưới hai tỉ đồng dù vị trí xa trung tâm Hà Nội.

Chị Vân Anh nêu ví dụ, một dự án căn hộ gồm hai block cao 21 tầng mới ra mắt ở Vân Canh, huyện Hoài Đức, giá căn diện tích nhỏ nhất 66 m2 từ 2,8 tỉ đồng (hơn 40 triệu đồng mỗi m2). Thu nhập hiện nay của vợ chồng chị chưa thể đáp ứng khoản vay gần một nửa giá trị căn hộ.

Trong khi đó, năm 2019, với 1,5 tỉ đồng, gia đình anh trai chị Vân Anh đã mua được một căn hộ hai phòng ngủ tại dự án 3 tòa tháp cao 45 tầng mặt đường Tố Hữu, phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Còn anh Trung Quân (32 tuổi, huyện Thanh Trì) cũng gặp khó khi tìm mua căn hộ mới giá bình dân ở khu vực ven đô. Giữa năm nay, nghe tin một dự án căn hộ ở Tứ Hiệp ra mắt rổ hàng cuối cùng giá khoảng 25-30 triệu đồng/m2, anh nhanh chóng kết nối với môi giới để tìm mua căn hộ hai phòng ngủ rộng khoảng 80 m2.

Tuy nhiên, môi giới cho hay rổ hàng còn lại chỉ còn những căn 3-4 phòng ngủ. Nếu mua căn diện tích nhỏ nhất 127 m2, anh cần ít nhất 1,5 tỉ đồng để nhận nhà, 60% còn lại vay ngân hàng.

"Dù đơn giá dưới 30 triệu đồng/m2, giá trị cả căn không hề bình dân. Nếu có tài chính hơn 3 tỉ đồng, tôi đã lựa chọn ở khu vực gần trung tâm hơn", anh Quân nói.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - phân tích, khác với cuộc khủng hoảng năm 2011 là dư cung, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản hiện nay là dư cầu.

“Đặc điểm của khủng hoảng dư cầu bao giờ cũng kết thúc nhanh hơn khủng hoảng dư cung. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, dư cầu ở phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nêu, người thu nhập trung bình tại Hà Nội có xu hướng dịch chuyển ra các huyện vùng ven, nơi hệ thống hạ tầng kết nối chưa được hoàn thiện để mua nhà. Tình trạng này sẽ diễn ra ở các đô thị khác trong tương lai gần nếu như không hoạch định lại cơ chế cấp phép dự án.

Còn theo ghi nhận của Savills Việt Nam (Tập đoàn Tư vấn đầu tư bất động sản quốc tế Savills), trong quý III/2023, phân khúc căn hộ bình dân có hơn 650 giao dịch, cao cấp 3 lần so với căn hộ trung cấp và gấp 15 lần so với căn hộ hạng sang.

Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở giá rẻ luôn ở mức cao. Dự báo, nguồn cung nhà ở giá rẻ khó cải thiện trong thời gian ngắn vì chi phí phát triển quỹ đất đang tiếp đà tăng.

Trước thực tế đang diễn ra, giới chuyên gia cho rằng, cần tăng mạnh nguồn cung phân khúc nhà ở giá rẻ, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho biết, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn vàng để tăng sức bền, tái cấu trúc và phục hồi, bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

“Nguồn cung các dự án cần được phát triển cân đối, đặc biệt cần tăng cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của đa số người dân bên cạnh việc duy trì hoạt động cân bằng của các phân khúc khác trên thị trường”, ông Điệp nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn