MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu đất đấu giá tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Cao Nguyên.

Thị trường đất đấu giá ở Hà Nội ế ẩm, không còn tình trạng thổi giá cao

ANH HUY LDO | 13/07/2023 10:11

Những năm trước đây, thị trường đất đấu giá Hà Nội luôn được quan tâm, thậm chí rất sôi động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đất đấu giá đã rơi vào tình trạng ế ẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội chỉ có 37 phiên đấu giá thành công trong 65 phiên được tổ chức.

Thông tin từ Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 37 phiên đấu giá thành công và 28 phiên đấu giá không thành. Kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất là 724 tỉ đồng, chỉ đạt 5,42% kế hoạch năm.

Nhìn vào con số có thể thấy những khó khăn của việc đấu giá đất. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản giảm nhiệt, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nguồn lực tài chính.

Ngoài ra, cũng có một phần nguyên nhân từ việc giải phóng mặt bằng chậm hoặc còn vướng mắc thủ tục về quy hoạch, đất đai…

Lý giải cho tình trạng đấu giá đất kém sôi động, lãnh đạo các địa phương cho biết thị trường đất nền trầm lắng nên không còn cảnh cò đất, đầu nậu kéo nhau vào đấu giá rồi bán lướt sóng ăn chênh như trước đây.

Ngoài ra, đấu giá đất thời điểm này cũng có những bất lợi như giá khởi điểm cao hơn so với mặt bằng chung thị trường, vì thế không có hồ sơ đấu giá. Tuy nhiên, địa phương vẫn phải đấu giá đất 1-2 lần không có hồ sơ đấu giá thì mới có cơ sở để hạ giá khởi điểm xuống.

Tìm hiểu của PV Lao Động cho thấy, trong nhiều cuộc đấu giá gần đây, người tham gia và trúng đấu giá cũng ít. Đơn cử như cuộc đấu giá tại huyện Phúc Thọ, Đông Anh (Hà Nội).

Sản phẩm đấu giá là 35 thửa đất: Khu Gạc Chợ, xã Tam Hiệp 7 thửa; khu X1 thôn Lục Xuân, xã Võng Xuyên 5 thửa; khu Cát Hạ, xã Tam Thuấn 3 thửa; khu Mả Mảy, xã Phụng Thượng 20 thửa.

Kết thúc phiên, đấu giá thành công 5 thửa đất. Trong đó: Khu Mả Mảy, xã Phụng Thượng thành công 4 thửa; khu Cát Hạ, xã Tam Thuấn 1 thửa.

Tại huyện Đông Anh, 25 thửa đất trên địa bàn cũng đã được mang ra đấu giá cuối năm 2022 với giá khởi điểm trong khoảng 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2. Đến ngày 11.3.2023, các lô đất này lại tiếp tục lại được đưa ra đấu giá.

Anh Hiệp (áo đen) cho rằng, nhà đầu tư không hào hứng với đất đấu giá. Ảnh: Cao Nguyên

Ngày 12.7, chia sẻ với PV Lao Động anh Nguyễn Hiệp, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, năm nay nhà đầu tư không có hứng thú với đấu giá đất phần vì thanh khoản thị trường kém, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, lãi suất tăng cao…

Cùng với đó, theo anh Hiệp việc giá sàn ở nhiều đợt đấu giá hiện nay bị áp ở mức cao hơn so với bình thường. Nhiều địa phương phải áp dụng phương pháp đối chiếu với giá đấu ở các thương vụ trước làm căn cứ, trong khi thực tế, giá ở các đợt đấu giá trước chủ yếu là giá "ảo".

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho biết, tại giai đoạn thị trường thanh khoản kém như hiện tại, việc lướt sóng bán chênh rất khó nên hầu như các nhà đầu tư cũng không tham gia nữa. Mức giá trước kia phải cao gấp 2 đến 3 lần giá khởi điểm mới trúng đấu giá thì nay chỉ cần chênh 5% đến 10% là đủ.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như phấn đấu hoàn thành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trong năm nay, UBND TP Hà Nội đã uỷ quyền cho UBND cấp huyện có quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo đề xuất thành phố xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn