MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nới room tín dụng nhưng không đồng nghĩa vốn sẽ chảy mạnh về bất động sản. Ảnh: A.D

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp với nỗi lo đáo hạn

Gia Miêu LDO | 10/09/2022 09:41

TPHCM - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với trạng thái thanh khoản sụt giảm, giá trị phát hành thấp trong nhiều tháng qua khi chờ đợi định hướng từ chính sách mới.

Theo báo cáo của FiinRatings, trong tháng 8 vừa qua, giá trị phát hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng đạt 9.400 tỉ đồng, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng phát hành thấp nhất cả năm trên thị trường TPDN và còn thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết vốn có tính chu kỳ với khối lượng thấp. Trong tháng 8 chỉ có 19 đợt phát hành, chưa tính đến 3 lô trái phiếu phát hành không thành công của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Các lô trái phiếu trên ngoài việc có thể do lãi suất chào bán thấp và chưa hấp dẫn, các nhà đầu tư chủ yếu là các ngân hàng khác cũng không thực sự có nhu cầu mua TPDN khi đã đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định cũng như chờ đợi việc nới room tín dụng để có thể giải ngân cho vay trong những tháng cuối năm.

Riêng nhóm bất động sản có diễn biến tích cực trên thị trường TPDN khi giá trị phát hành tăng gấp 4,3 lần so với tháng trước. Lĩnh vực kinh doanh chứng khoán ghi nhận thêm 1 lô TPDN trị giá 300 tỉ đồng, kỳ hạn 1 năm đến từ CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Các đợt phát hành lớn nhất của tháng 8.2022 được ghi nhận là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) với giá trị TPDN đạt 1.500 tỉ đồng; Công ty cổ phần Fuji Nutri Food và Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) với giá trị phát hành cùng đạt 1.000 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính theo đánh giá của FiinRatings, chủ yếu do sự cẩn trọng và chờ đợi các chính sách mới từ cả phía nhà đầu tư lẫn nhà phát hành. Trong khi nhà phát hành chờ đợi những thay đổi về chính sách để có phương án phù hợp, nhà đầu tư cá nhân cũng không mấy mặn mà với các lô trái phiếu đang được chào bán. Bên cạnh đó không ít chuyên gia cho rằng điều đáng lo nhất với thị trường trái phiếu doanh nghiệp chính là câu chuyện tới thời kỳ đáo hạn sau một thời gian tăng nóng thời gian qua.

Báo cáo chuyên đề về trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành của Fiin Group ước tính, giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 37.000 tỉ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm phần lớn với 84% tổng giá trị. Áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn 2023 - 2024, việc đảm bảo nguồn vốn đảo nợ sẽ trở thành vấn đề cấp thiết. 

Theo các chuyên gia, khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong 3 năm 2022 - 2024 là con số rất lớn. Điều này không chỉ tạo áp lực trả nợ trong khi doanh nghiệp cần vốn hồi phục sau đại dịch mà những thay đổi pháp lý sau các động thái chấn chỉnh thị trường thời gian qua còn tác động đến rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, chính là định chế tài chính như công ty chứng khoán và ngân hàng.  Mới đây, Bộ Tài chính cũng lưu ý, việc khối lượng phát hành tăng nhanh thời gian gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022 - 2024, chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng.  

Tín dụng bất động sản nửa cuối năm nay sẽ không còn dễ dàng với doanh nghiệp dù các ngân hàng đã được nới room tín dụng. Điều này đồng nghĩa tiến độ triển khai các dự án của doanh nghiệp bất động sản nửa cuối năm nay gặp khó khăn hơn. Trong khi đó đa phần doanh nghiệp bất động sản trên thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong quý 2/2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết lần lượt giảm 49% và 72,5% so với quý trước đó. FiinGroup cũng cảnh báo, vòng quay hàng tồn kho bất động sản đang tăng lên mức 1.500 ngày, tức với lượng hàng đang có trên thị trường hiện nay phải 4 năm mới hấp thụ hết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn