MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu hồi đất “theo giá thị trường”: Nguy cơ quay lại giá áp đặt của Nhà nước

Khương Duy LDO | 09/03/2023 18:49
Giới chuyên gia, luật sư đang đưa ra nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó thu hồi đất và quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai là những nội dung được nhiều người quan tâm.

Vừa thu hồi đất vừa quyết định giá đất sẽ không đảm bảo khách quan

Thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng, Điều 155 Dự thảo quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể là UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện là không phù hợp. Chia sẻ với PV Lao Động, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT Law Firm nói:

"Cơ quan vừa thu hồi đất vừa quyết định giá đất sẽ không đảm bảo tính khách quan. Trong những năm qua, tình trạng áp dụng giá đất theo quyết định của UBND cấp huyện, cấp tỉnh có nhiều bất cập. Hầu hết người dân đều không đồng tình gây khiếu kiện kéo dài.

Giới luật sư đang tích cực đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh minh họa: Phan Anh

Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị đã nêu trên tinh thần phải bám sát giá thị trường. Trong dự thảo Luật, có nguy cơ quay lại giá áp đặt của Nhà nước. Nhà nước giao có thể định giá nhà nước hoặc định giá độc lập, nhưng cuối cùng để xác định giá lại là UBND quyết định, như thế lại phi thị trường.

Giá thị trường phải để cho cơ quan định giá độc lập ngoài Nhà nước định giá. Chứng thư định giá của cơ quan này chính là một văn bản quyết định về giá, không cần UBND quyết định nữa" - luật sư Trương Anh Tú nói.

Vì vậy, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng nên bỏ quy định tại Điều 155, 156 Dự thảo thay thế vào đó là điều khoản giao việc định giá cho đơn vị định giá độc lập.

Cần bổ sung cơ chế thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai

Chia sẻ về vấn đề kiểm soát quyền Nhà nước trong thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của công dân.

Ông cho rằng, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai từ trước đến nay luôn nhận được sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của giới nghiên cứu nói chung cũng như các nhà luật học nói riêng.

Để Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện hơn, chuyên gia này kiến nghị cần bổ sung cơ chế để giám sát Chính phủ và UBND các cấp cấp trong việc thực thi quyền đại diện sở hữu toàn dân về đất đai cụ thể hơn, qua đó giám sát quá trình thực thi pháp luật về đất đai ở địa phương.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cũng cho rằng, việc “vừa thẩm định giá, vừa có quyền bỏ phiếu, vừa giám sát rất khó“. Ảnh minh họa: Phan Anh

"Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung 1 điều quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vừa được tham gia xây dựng bảng giá đất, tham gia vào hội đồng thẩm định giá đất, vừa có quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai.

Tuy nhiên không nên cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu ý kiến về trường hợp cần thiết phải thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất; tham gia vào xây dựng bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất…" - ông Tuyến chia sẻ tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, cần xem xét lại về vai trò và trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc để đưa ra phương án tối ưu, nhằm phát huy hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý này một cách tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn