MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu hồi dự án chậm tiến độ: Hết thời của những chủ đầu tư ôm đất

Khương Duy LDO | 14/10/2022 12:58

Nhiều địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình... gần đây đang có nhiều động thái mạnh tay trong việc xử lý dự án chậm tiến độ. Hàng trăm dự án chậm tiến độ đã bị rà soát, xử lý, thậm chí là thu hồi.

Tín hiệu tích cực

Việc một dự án chậm tiến độ có thể do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Tuy nhiên thực tế có không ít chủ đầu tư "ôm" những mảnh đất có vị trí đắc địa, xây dựng cầm chừng để không bị thu hồi gây lãng phí, mất mỹ quan.

Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Trương Anh Tú cho rằng việc các địa phương đang mạnh mẽ, kiên quyết xử lý và thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án treo là một tín hiệu tích cực. 

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

"Đây là cơ sở để sử dụng nguồn tài nguyên hợp lí hơn. Hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án “treo”, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất đắc địa, từ đó gây ra rất nhiều hệ lụy như các dự án, khu đô thị nằm chờ cả thập kỷ, lãng phí nguồn tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng và xáo trộn đến cuộc sống của người dân.

Một trong những chiêu trò thường thấy để đối phó với việc thu hồi là các chủ đầu tư luôn tìm cách kéo dài thời gian, xây dựng một phần nhỏ hoặc chỉ san nền, quây tôn rồi bỏ ngỏ. Tình trạng “ghim đất” của những ông chủ kinh doanh bất động sản diễn ra rất nhiều, đã vi phạm các quy định pháp luật và thuộc diện bị thu hồi nhưng công tác thu hồi mới chỉ dừng lại “trên giấy”.

Hàng loạt các rào cản về chính sách, thủ tục pháp lý, công tác bồi thường cho người dân khiến cho việc thu hồi các dự án bỏ hoang chưa khi nào là dễ. Do đó dẫn đến tình trạng “nhờn luật” và tình trạng dự án “treo” vẫn diễn ra.

Phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền địa phương

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng việc thu hồi được các dự án “treo” hay không phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của chính quyền địa phương. "Động thái mạnh mẽ và sự kiên quyết của nhiều địa phương thời gian gần đây trong vấn đề xử lý dự án chậm tiến độ sẽ là một tác động lớn đến tâm lý của chủ đầu tư, giúp gây áp lực buộc chủ đầu tư phải đưa ra lựa chọn:

Hoặc là phải sớm đưa dự án vào khai thác hoặc là phải bị buộc thu hồi dự án. Chính động thái này sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch, hoạt động đúng nghĩa của nó, tránh tình trạng ghim đất và hạn chế tình trạng khan hiếm nguồn lực đất đai".

Dự án Khu nhà ở và dịch vụ công nhân Khu công nghiệp Gián Khẩu (tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình) được triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: NT

Chủ tịch Công ty TAT Law firm nhận định thực tế, Luật đất đai đã có những quy định về việc xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án treo. Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn có những quy định bắt buộc như ký quỹ hoặc bảo lãnh nhằm đảm bảo thực hiện dự án đầu tư đối với các doanh nghiệp sau khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với công trình dự án để có lộ trình tiếp theo được cấp phép xây dựng, công nhận đủ điều kiện thi công.

Đây là cơ sở để giới hạn hiệu quả đánh giá năng lực, không cho nhà đầu tư “ôm đất” kéo dài thời gian triển khai dự án sau khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cũng là điều kiện không cho các nhà đầu tư tìm cách xin gia hạn để không bị thu hồi, bắt buộc chính quyền phải quyết liệt, kiên quyết hơn trong việc thực hiện thu hồi đất.

"Cơ sở pháp lý đã có, còn việc thực hiện đến đâu thì còn phụ thuộc vào sự kiên quyết và mạnh mẽ của các cơ quan nhà nước trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ. Nếu "buông lỏng", không mạnh tay trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các dự án có dấu hiệu chậm tiến độ thì vấn đề thu hồi dự án treo, tình trạng chủ đầu tư “ghim đất” còn diễn ra", ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, dù pháp luật đã có những quy định để xử lý những vấn đề trên, cần có sự đồng bộ giữa những đạo luật khác nhau như Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, từ đó nội dung áp dụng quy định có tính xuyên suốt.

Các văn bản pháp luật cũng cần quy định cụ thể trách nhiệm của địa phương nếu trên địa bàn có dự án chậm tiến độ sau nhiều năm mà không kiến nghị thu hồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn