MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh tra đường "nhồi" cao ốc Lê Văn Lương - Tố Hữu, lộ đầy rẫy vi phạm. Ảnh: Hải Nguyễn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Không nên cứng nhắc với quy hoạch đô thị

CAO NGUYÊN LDO | 13/06/2022 19:57

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, với những quy hoạch đã tốt rồi không nên điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng không nên cứng nhắc bởi quy hoạch đô thị 10-20 năm sau không phù hợp có thể điều chỉnh.

Ngày 13.6, Bộ Xây dựng tổ chức buổi họp báo thường kỳ để thông tin về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ Xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tại buổi họp báo, liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng, chiếm diện tích cây xanh xung quanh tuyến đường Lê Văn Lương, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, trong kết luận thanh tra, Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều vi phạm, đặc biệt là các chủ đầu tư không tuân thủ quy định về cây xanh.

Đây là tuyến đường rất "nóng" ở Hà Nội thời gian qua vì mật độ cao ốc dày đặc và tắc nghẽn. Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã đặt ra vấn đề về việc "xé nát" quy hoạch đô thị ở tuyến đường huyết mạch cho trục phía Tây Nam Hà Nội này.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, nguyên tắc chung là hạn chế điều chỉnh, ưu tiên các tiện ích công cộng, cây xanh, môi trường thay vì chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư trong điều chỉnh quy hoạch.

“Với những quy hoạch đã tốt rồi không nên điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng không nên cứng nhắc bởi quy hoạch đô thị 10-20 năm sau không phù hợp có thể điều chỉnh”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu.

Trong khi đó, một vấn đề mà thời gian gần đây được dư luận quan tâm đó là quy định thời hạn sở hữu chung cư. Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết năm 2014, khi trình Chính phủ sửa Luật nhà ở, Bộ đã đặt ra 2 tình huống quy định sở hữu chung cư có thời hạn hay lâu dài. Tuy nhiên, thời điểm đó Quốc hội cho rằng đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu.

Sau 7 năm, mới đây, khi đề xuất hồ sơ xây dựng luật trình lên Chính phủ, Bộ có nêu ra 2 phương án. Phương án 1, thời hạn sử dụng nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Cụ thể, thời hạn sử dụng công trình có thể là 50 năm hoặc hơn bởi thời hạn này được tính theo hồ sơ thiết kế và quá trình sử dụng có thể dài hơn. Khi hết thời hạn thì quyền sở hữu chấm dứt.

Phương án 2 là xác định theo thời hạn sử dụng đất để Chính phủ xem xét và báo cáo lên Quốc hội 2 phương án này.

"Đây cũng mới chỉ là đề xuất chính sách để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng, sau khi được Quốc hội đồng ý đưa vào Luật Nhà ở 2023 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân", ông Khởi nói.

Về giải pháp xử lý, vị này cho biết Bộ đã đề xuất giải pháp của 2 phương án. Nếu trong trường hợp quyền sử dụng đất vẫn có hiệu lực, người dân sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất và góp tiền xây dựng mới.

Ông Khởi nói thêm, điều này có nghĩa, người dân sẽ được tái định cư tại chỗ. Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ sẽ lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh xáo trộn tối đa cho người dân.

Kiến nghị cho vay dự án pháp lý rõ ràng

Liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay bị ảnh hưởng khi tín dụng bị kiểm soát, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản huy động từ nhiều nguồn vốn như ngân hàng, trái phiếu, liên doanh liên kế, người mua và vốn chủ sở hữu. Vì vốn chủ sở hữu ít nên đẩy mạnh huy động từ các nguồn vốn còn lại.

Bộ Xây dựng không dùng từ "siết" vốn bất động sản mà chỉ hạn chế dòng vốn bất động sản vào các dự án có hiện tượng đầu cơ, các dự án không thiết thực ngay. Hiện nay, vốn cho thị trường hạn chế khiến tốc độ tăng trưởng của thị trường chậm lại nhưng hạ giá "chưa rõ". Ngoài ra, Bộ Xây dựng kiến nghị cho vay với những dự án có pháp lý rõ ràng, tiến độ tốt để bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn