MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thương hiệu đồng loạt di dời, mặt bằng kinh doanh ngày càng ế ẩm

Lan Nhi LDO | 25/03/2023 10:54
Nhiều thương hiệu, nhãn hàng gần đây có xu hướng thận trọng mở mới khiến loạt mặt bằng kinh doanh tại các quận trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng ế ẩm. Diễn biến này được dự báo sẽ còn kéo dài trong suốt năm 2023.

Tìm hiểu của PV Lao Động, sau dịp Tết Nguyên đán 2023, giá thuê mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã liên tục tăng cao khiến nhiều thương hiệu, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải cân đối tài chính và di dời địa điểm kinh doanh. 

Nhiều thương hiệu đồng loạt di dời, mặt bằng kinh doanh ngày càng ế ẩm. Ảnh: Thu Giang   

Tuy nhiên, dù sở hữu mặt bằng kinh doanh khu vực phố cổ Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1983, phố Hàng Bông) nhiều tháng nay đã phải chật vật tìm người thuê cửa hàng với mức giá ưu đãi. 

Anh Hoàng kể, dù đã treo biển giảm giá, sẵn sàng hỗ trợ dịch vụ kinh doanh trong 3 tháng đầu năm, nhưng đến nay mặt bằng của anh vẫn chưa tìm được người thuê. 

Nhiều trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đang rơi vào cảnh ế ẩm khách thuê. Ảnh: Thu Giang 

Không chỉ mặt bằng kinh doanh trên phố, tuy nằm ở vị trí đắc địa, nhiều trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đang rơi vào cảnh ế ẩm khách thuê.

Như Lao Động phản ánh trước đó, suốt 1 năm nay, trung tâm thương mại Atemis Shopping Centre (đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) đã liên tục phải treo biển cho thuê mặt bằng, văn phòng khi nhiều nhãn hàng tại đây đồng loạt rời bỏ sau dịch COVID-19. 

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, sau giai đoạn dịch COVID-19, các nhãn hàng đều gặp vấn đề khó khăn về nguồn vốn. Chính vì vậy, hiện nay họ có xu hướng không mở cửa hàng một cách đại trà mà trở nên khắt khe hơn khi tìm kiếm mặt bằng, tập trung vào các mặt bằng có vị trí đắc địa.

Sau giai đoạn dịch COVID-19, các nhãn hàng đều gặp vấn đề khó khăn về nguồn vốn. Ảnh: Thu Giang 

Chuyên gia Savills cho rằng, thị trường đang gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt về khả năng hấp thụ khi một số phân khúc như nhà mặt phố hay khối đế chung cư vẫn ghi nhận một tỉ lệ trống dù nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ vẫn đang tăng cao trong tất cả các nhóm khách thuê.

Bà Hoàng Nguyệt Minh cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến nhiều mặt bằng nhà phố, trung tâm thương mại bỏ trống như việc kiểm soát chặt các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng khiến khách thuê có xu hướng thận trọng hơn.

Để tăng sức hấp dẫn, thu hút khách thuê, các trung tâm thương mại cần phải có chiến lược nâng cấp, quảng cáo, marketing, tiến hành cải tạo các mặt bằng bất động sản lỗi thời để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn