MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiền tươi mới cứu được bất động sản

Hương Nguyễn LDO | 05/04/2023 10:08
Giới phân tích cho rằng chỉ có tiền tươi mới cứu được thị trường bất động sản và trái phiếu lúc này. Việc giãn, hoãn chỉ trì hoãn về thời gian. Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 được đánh giá là sẽ gỡ khó cho thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần tìm ra điểm cân bằng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và kiểm soát nợ xấu ngân hàng.

Thắt rồi lại nới để cứu thanh khoản thị trường 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn khó khi có nhiều tổ chức phát hành chậm trả lãi và/ hoặc gốc trái phiếu. Quý IV/2021, Thông tư 16 ban hành đã “thắt” các đường đi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang rất lớn. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo về Thông tư 16 để nới lỏng, gỡ khó cho thị trường trái phiếu, hỗ trợ thanh khoản trong nền kinh tế.

Theo số liệu của FiinGroup, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện ở mức 1,15 triệu tỉ VND (tính theo giá trị lưu hành tại thời điểm 8.3.2023). Trong cơ cấu của trái phiếu phi ngân hàng 788,9 nghìn tỉ VND thì trái phiếu bất động sản có giá trị 396,3 nghìn tỉ, tức chiếm khoảng 50% tổng giá trị trái phiếu phi ngân hàng và 34% tổng TPDN toàn thị trường đang lưu hành.

Bình luận về dự thảo Thông tư 16 sửa đổi, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước - cho biết: “Thông tư 16 có nhiều quy định được gỡ để tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những quy định chúng tôi siết lại để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, nhưng cần có biện pháp để quản trị rủi ro, đặc biệt là mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu”.

Hiện trái phiếu doanh nghiệp mới đáp ứng 33% nhu cầu vốn của doanh nghiệp bất động sản, trong tổng cơ cấu tín dụng.

Như vậy, 67% nguồn vốn của ngành bất động sản đến từ tín dụng ngân hàng, cho thấy tồn tại rủi ro chéo từ việc vi phạm nghĩa vụ nợ đối với các khoản vay của ngân hàng nếu tình hình kinh doanh vẫn gặp khó khăn, doanh nghiệp không thể huy động thêm hoặc cơ cấu lại nợ.

Trong tháng 3, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm bất động sản này đã giảm 97,1% về quy mô phát hành so với cùng kì năm trước.

Bất động sản dẫn đầu về trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 2023 - 2024. Ảnh: FiinGroup 

Tiền tươi mới cứu được thị trường nhưng cẩn trọng nợ xấu

“Tiền tươi mới cứu được thị trường bất động sản và trái phiếu. Việc giãn, hoãn chỉ trì hoãn về thời gian. Tiền tươi nên đến từ khối ngoại hoặc ngân hàng. Tiền chảy từ hệ thống tín dụng mới thông được dòng vốn, có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn tiền từ ngân hàng cần chú ý đến đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Cần tìm ra điểm cân bằng trong nền kinh tế khi vừa hỗ trợ doanh nghiệp và kiểm soát nợ xấu. Doanh nghiệp và ngân hàng phối hợp chặt chẽ để minh bạch thông tin doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội, kích thích nền kinh tế vận hành” - ông Phan Lê Thành Long - Chuyên gia tài chính ngân hàng - cho biết.

"Việc Ngân hàng Nhà nước mở đường cho tổ chức tín dụng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm phần nào áp lực đáo hạn trong năm 2023. Tuy nhiên, mức độ tác động đến thị trường này còn nhiều giới hạn và cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành trong thời gian tới" - BSC khuyến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn