MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu biệt thự ở Nam An Khánh cỏ mọc um tùm không có người ở. Ảnh: Cao Nguyên

Tìm biện pháp xử lý biệt thự tiền tỉ bỏ hoang hàng chục năm

Cao Nguyên LDO | 03/06/2021 11:35

Những căn biệt thự, nhà liền kề có giá từ 10 tỉ đến hàng chục tỉ đồng được xây dựng ồ ạt tại nhiều khu vực ở Hà Nội rồi lại bỏ hoang. Ngoài lý do hạ tầng chưa đồng bộ, không ít bất động sản này là “hàng” do các nhà đầu tư găm giữ. Thực tế, các nhà biệt thự liền kề bỏ hoang hiện nay mới xây xong phần thô, nhiều căn rêu cỏ mọc um tùm. Có những căn được người thu mua sắt vụn, thợ xây khai thác sử dụng.

Người bán ve chai, thợ xây ở biệt thự chục tỉ

Trong vai một người đi mua nhà, chúng tôi được anh Xuân Cường (một cò bất động sản) dẫn vào Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) chỉ cho những căn biệt thự liền kề với giá đến hàng chục tỉ đồng. Cường cho biết, nhiều căn biệt thự tại khu đô thị này được xây hơn 10 năm nay. Giá cả cũng lên từng ngày. “Nếu những căn có mặt tiền đẹp giá phải đến 78 hoặc 80 triệu đồng/m2. Đây chỉ có phần xây thô và diện tích đất. Mình mua xong về bỏ thêm vài tỉ nữa để hoàn thiện” - anh Cường nói.

Theo quan sát và ghi nhận của PV Lao Động, những căn biệt thự liền kề đã được xây thô cơ bản. Nhiều căn cây cối mọc bao phủ, um tùm. Có những căn - người bán ve chai, hay những người làm phụ hồ che chắn ở tạm. Một số biệt thự, nhà liền kề được chủ nhà xây bịt kín cổng và các lối ra vào bằng gạch hoặc đóng ván gỗ… Lác đác có 2-3 căn nhà liền kề đang được công nhân gia cố trát, hoàn thiện.

Một người dân sinh sống tại đây cho biết, họ xây dựng thô từ lâu, nhưng không ai đến ở. “Có những người đến ở để trông nom nhưng phần lớn là thợ xây và người bán đồng nát. Khi nào họ đuổi thì chúng tôi lại đi” - người này nói.

Ở một số khu vực khác như khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức), khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cũng đang có "kịch bản" tương tự, bởi hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang cả 10 năm nay mà không ai về ở. Những người dân sinh sống ở đây cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được tốt. Lượng người sống ở đây còn thưa thớt, khu vui chơi giải trí hay dịch vụ (siêu thị, trung tâm thương mại) chưa được đầu tư. Một số nơi, hệ thống đèn cao áp chưa đồng bộ khiến ban ngày vốn đã vắng vẻ, đêm về càng hoang lạnh.

Bà Bùi Thị Hảo, phường Xuân Phương, chia sẻ: "Bị lấy đất chúng tôi rất tiếc, không có ruộng để làm. Chúng tôi già rồi, con cháu không có đất canh tác trong khi xây nhà lên thì bỏ hoang…". Cùng tâm trạng, bà Mùi ở xã An Khánh cho rằng, việc làm thì không có, đất bỏ hoang, nhà xây lên cũng không có người ở. Dân thì không có việc làm. Trẻ thì còn đi chợ, người già không biết đi đâu. Tiếc vì thu hồi bờ xôi ruộng mật rồi bỏ hoang phế.

Hay như tại dự án Khu biệt thự Vườn Cam - Orange Graden được thực hiện từ năm 2007. Đến năm 2015, dự án được UBND TP.Hà Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Từ năm 2019, dự án được "tái khởi động" lại khi chủ đầu tư cho xây dựng các căn biệt thự, nhà vườn...

Được thiết kế xây dựng gồm 162 lô biệt thự song lập, 260 lô biệt thự đơn lập tiêu chuẩn, 174 lô biệt thự đơn lập cao cấp, 25 lô biệt thự nhà vườn cao cấp, mỗi lô có diện tích từ 200- 800m2. Tuy nhiên, đến nay, nhiều căn biệt thự hoành tráng tại dự án vẫn bỏ hoang, hàng trăm tỉ đồng của nhà đầu tư để mặc cho rêu cỏ um tùm.

Làm gì để khống chế biệt thự "ma"?

Trên thực tế, hiện nay tại nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội vẫn đang tồn tại không ít căn biệt thự đã xây thô rồi bỏ không nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước. Song song đó, việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang, mua rồi để đấy không sử dụng vừa gây mất mỹ quan, lại vô cùng lãng phí cũng đã được đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có đáp án cuối cùng.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng với thủ đô Hà Nội tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô rộng nhưng giữa quy hoạch, kế hoạch chưa hài hòa với nhau. "Khu vực nào để phát triển, khu vực nào để ổn định tuy nhiên hiện nay giữa quy hoạch và kế hoạch còn bất cập, chưa đồng bộ" - TS Nghiêm nói.

TS Nghiêm bày tỏ, phải có kế hoạch để xác định trọng điểm, vùng nào đợt một vùng nào đợt hai. Tạo ra cơ chế phù hợp với định hướng phát triển, đặc biệt với nhà ở. Nhà nước phải điều hành được thị trường bất động sản nhưng hiện nay đang gặp bất cập trong điều hành cơ chế. Giữa cung và cầu không gắn lại được với nhau, có lúc cung nhiều hơn cầu và ngược lại.

Trong khi đó theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, khu đô thị bỏ hoang gây lãng phí lớn cho xã hội, là một trong vấn đề cần có cơ chế chính sách giải quyết để sử dụng hợp lý. Thông thường, người mua nhà đều có nhu cầu sử dụng, hoặc là cho thuê, hoặc là đầu tư sinh lời, nhưng phải bỏ không vì kết nối hạ tầng chưa tốt, điện - đường - trường - trạm chưa khai thông… Người mua nhà muốn ở không được, muốn cho thuê cũng không xong.

Ông Thịnh cho rằng, nếu mua nhiều bất động sản rồi để không thì nên đánh thuế người sở hữu căn hộ. Trường hợp nếu chỉ là căn nhà thứ hai thì cần đánh thuế chính chủ đầu tư - là căn nguyên để khu đô thị bỏ hoang, chứ không phải đánh thuế người sở hữu căn hộ và người mua để đầu tư. “Biện pháp đánh thuế có lẽ hợp lý nếu sở hữu nhiều nhà không sử dụng phải đánh thuế. Các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách, đề xuất chính sách thấu đáo vừa có cơ sở khoa học vừa có thực tiễn” - chuyên gia này nêu quan điểm.

Theo ông Thịnh, trong trường hợp đánh thuế căn hộ bỏ hoang thì cơ quan quản lý cần đánh thuế tương xứng với giá trị coi như nhà chưa sử dụng; còn trường hợp mua để đó, không sử dụng thì đánh thuế như cho thuê.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), trước tình trạng khu đô thị "ma" xuất hiện ngày một nhiều, Nhà nước cần phải can thiệp bằng luật pháp, tạo ra những cơ chế đủ sức điều chỉnh thị trường bất động sản hiện nay. Ví dụ như đánh thuế bất động sản thứ 2, thứ 3.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn