MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháo gỡ pháp lý cho dự án sẽ tạo thanh khoản và nguồn thu lớn cho ngân sách. Ảnh: Bảo Chương

Tìm giải pháp tháo gỡ pháp lý cho dự án bất động sản

Gia Miêu LDO | 02/04/2023 10:22

Cùng với việc đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp thiết thực nhất lúc này đối với thị trường bất động sản là nhanh chóng gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản.

Hiện có hàng trăm dự án bất động sản đang trong tình trạng dang dở, một phần vì pháp lý chưa hoàn thiện, phần khác do chủ đầu tư không còn đủ nguồn tài chính để triển khai tiếp.

Theo thông tin từ Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính 156 dự án xét bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của 121 doanh nghiệp chủ đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh đang bị ách tắc, nếu bình quân giá trị mỗi dự án là 2.000 tỉ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỉ đồng, nếu tháo gỡ được vướng mắc để triển khai thực hiện trở lại bình thường thì sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế rất lớn. 

Vướng pháp lý khiến nhiều chủ đầu tư không thể tái cơ cấu bằng việc chuyển nhượng dự án. Nói về vòng luẩn quẩn này, Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết, công ty đang có nhiều dự án vướng pháp lý không thể triển khai. Quá khó khăn, doanh nghiệp đã tìm đối tác để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư. Mặc dù rất nhiều đối tác quan tâm, nhưng khi vào giai đoạn đàm phán, họ đều từ chối mua vì lý do dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Nhiều dự án bất động sản vướng pháp lý không thể chuyển nhượng. Ảnh: Gia Miêu

Hiện nay, tại TPHCM, có nhiều dự án do chậm gỡ vướng pháp lý nên thời gian thi công kéo dài, dẫn đến đội vốn thêm hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỉ đồng. Do đó, cùng với việc đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp thiết thực nhất lúc này là nhanh chóng gỡ tắc pháp lý. Nếu dự án có pháp lý hoàn chỉnh, doanh nghiệp có thể bán sản phẩm hoặc gọi vốn từ các đối tác hay quỹ đầu tư, tức là tự chủ được dòng vốn, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng như hiện tại.

Và để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hiệp hội đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm cho phép chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản theo khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội. Đó là được chuyển nhượng dự án khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật và có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là giải pháp để tháo gỡ được ngay khó khăn về dòng tiền và thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản. 

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị xây dựng, hoàn thiện lại nội dung khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với quy định Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng. Trường hợp bên chuyển nhượng dự án, một phần dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn