MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao về nhà ở xã hội. Ảnh: VGP

Tín hiệu tích cực về nhà ở xã hội

Minh Hà LDO | 05/02/2024 09:19

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ những vướng mắc về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng nhằm phát triển nhà ở xã hội ngay từ những ngày đầu năm 2024.

Doanh nghiệp còn e ngại

Theo ghi nhận của Lao Động, Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM đang cho vay lãi suất 4,7%/năm, thời hạn 20 năm, với mức vay tối đa 900 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn vay này chỉ dành cho người hưởng lương từ ngân sách, các nhóm khác không thể tiếp cận.

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cho người mua nhà ở xã hội vay tối đa 700 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay 25 năm, nhưng điều kiện vay không hề đơn giản.

Về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - đưa ra phân tích cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng này về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.

Trong khi đó, gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thường có mức lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8 - 5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hằng năm. Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỉ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, theo ông Lê Hoàng Châu, quy định trên của gói tín dụng 120.000 tỉ đồng chưa đủ sức hấp dẫn với người vay.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33, hiện trên địa bàn thành phố có 6 dự án được UBND TPHCM công bố theo danh mục (đợt 1).

Trong đó có một dự án đã được chi nhánh BIDV chấp thuận cho vay nhưng đến nay chủ đầu tư chưa có nhu cầu giải ngân. Đối với 5 dự án còn lại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho hay, các chủ đầu tư đang trong quá trình làm việc với các ngân hàng thương mại để thực hiện gói tín dụng này.

Một thực tế cho thấy, các dự án nhà ở xã hội phần lớn vẫn đang nằm trên giấy vì vướng pháp lý.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết, các chủ đầu tư đã nêu một số vướng mắc như: Khi tiếp cận hồ sơ thẩm định, các ngân hàng có quy định riêng về điều kiện vay, nhằm bảo đảm thu hồi khoản cho vay theo quy định.

Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai 2013. Do đó, chủ đầu tư không thể dùng khu đất dự án nhà ở xã hội làm tài sản bảo đảm để vay vốn tại ngân hàng thương mại cho chính dự án nhà ở xã hội trên đất, mà phải dùng tài sản khác thế chấp.

Ngoài ra, hầu hết chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ thành phần hồ sơ để vay theo quy định của ngân hàng.

Tín hiệu tích cực

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các ngân hàng thương mại thẩm định. Do đó, việc triển khai chương trình còn chưa được như dự kiến.

Theo NHNN, thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình triển khai chương trình tín dụng này để phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân. Để góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, NHNN cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Qua đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xem xét, công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình và sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đã đủ điều kiện để ngân hàng thương mại có cơ sở xem xét, cho vay.

Bên cạnh đó, NHNN đã có đề nghị tới Chính phủ về triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư.

Căn cứ đề nghị này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến như sau: Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn