MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - ông Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: Quang Thương

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Tín dụng không gây bong bóng bất động sản

Đức Mạnh LDO | 13/01/2023 15:04

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng vốn tín dụng bình quân hằng năm có con số rất rõ. Xảy ra bong bóng bất động sản là do hiện tượng mua nhà không phải để ở.

Doanh nghiệp bất động sản kẹt vốn

Thị trường bất động sản đã có sự phát triển vượt bậc trong 20 năm qua. Tuy nhiên trong quá trình phát triển cũng đối diện rất nhiều khó khăn và thách thức.

Nêu quan điểm tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023" diễn ra vào 13.1, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) - ông Lê Hoàng Châu chỉ ra khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% trong số các doanh nghiệp và dự án bất động sản. Tiếp theo là bất cập trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu hiện đang tắc nghẽn.

Ông Châu cho biết: "Chúng ta thấy thị trường bất động sản hiện nay đang có sự lệch pha khi nguồn cung liên tục sụt giảm từ năm 2018 đến nay. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường cũng mất cân đối. Bởi nhà ở mà đa số người dân đang rất cần là nhà có giá vừa túi tiền. Mức giá khoảng từ 30 triệu đồng/m2 trở xuống hoặc nhà ở xã hội nhưng cả hai loại này đang rất thiếu".

Ông Châu mong muốn Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ảnh: Quang Thương 

Bên cạnh đó, tỉ lệ nhà ở cao cấp liên tục gia tăng. Nếu tính 2020, tỉ lệ nhà ở cao cấp chiếm 70%. Sang năm 2021 và 2022, tỉ lệ này tăng lên 80% thị trường, còn lại là nhà ở trung cấp.

Vừa thiếu hụt nguồn cung, vừa thiếu hụt nhà ở giá vừa túi tiền nên giá nhà bị đẩy lên mức rất cao. "Nhà ở siêu sang, cao cấp rất cần cho thị trường vì đáp ứng nhu cầu của người giàu, nhưng đa số người dân cần loại nhà phù hợp với khả năng tài chính", Chủ tịch HOREA nói. 

Không phải ngân hàng không cho vay

Trước những vướng mắc trên, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - ông Nguyễn Quốc Hùng - cho biết không phải các ngân hàng không cho vay mà điều họ quan tâm là những dự án đầy đủ tính pháp lý, đầu vào đầu ra hợp lý.

"Các tổ chức tín dụng cũng đã đặt ra vấn đề là giá sản phẩm bất động sản có hợp lý để đưa ra tính hiệu quả hay không. Giá bán quá cao thì sao tiếp cận được vốn? Giá cao như vậy ngân hàng có dám cho vay khi không có dòng tiền không?" - ông Hùng đặt vấn đề.

Về câu hỏi bong bóng bất động sản xảy ra có phải do vốn tín dụng không? Ông Hùng nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng vốn tín dụng bình quân hằng năm có con số rất rõ, không có gì gọi là "nóng" cả.

Các vị khách mời tham dự tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023" diễn ra vào 13.1. Ảnh: Quang Thương

Theo ông, những dự án đầy đủ pháp lý đều được cho vay. Những dự án liên quan đến nhà ở tiêu dùng phục vụ người dân, kể cả tín chấp tiền lương vẫn được ngân hàng cho vay. Người dân có thể tiếp cận được. Còn việc người dân không tiếp cận được vốn tín dụng là do tính pháp lý chưa đảm bảo khả năng trả nợ, vượt khả năng tài chính của họ.

"Xảy ra bong bóng bất động sản là do có hiện tượng không phải mua nhà để ở mà mua để tích luỹ, để đầu cơ, dẫn tới việc đẩy giá lên", ông Hùng lý giải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn