MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu Đông Thành phố Hồ Chí Minh có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy dọc xa lộ Hà Nội dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Ảnh: CAO THẮNG

TPHCM giảm còn 22 quận, huyện: Tách ra rồi lại…nhập vào

Bằng Linh LDO | 21/05/2020 11:52
Sở Nội vụ TPHCM vừa có tờ trình phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021. Trong đó, sáp nhập 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) để hình thành 1 đơn vị hành chính mới tạm gọi là Thành phố phía Đông. Tuy nhiên cũng có nhiều lo lắng cho rằng, việc sáp nhập này sẽ gây những khó khăn cho người dân, đặc biệt là chuyện thay đổi các loại giấy tờ tuỳ thân, bất động sản.

Từ huyện Thủ Đức tách ra làm 3 quận

Trước năm 1997, TP.Hồ Chí Minh có huyện Thủ Đức. Ngày 6.1.1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 03-CP về việc giải thể huyện Thủ Đức cũ và thành lập các quận, phường mới thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, thành lập quận Thủ Đức gồm 12 phường: Bình Chiểu, Bình Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú, Trường Thọ.

Thành lập quận 2 gồm 11 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình An, Bình Khánh, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, Thảo Điền, Thủ Thiêm.

Thành lập quận 9 gồm 13 phường: Hiệp Phú, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Trường Thạnh.

Từ 3 quận nhập lại thành...thành phố phía Đông

Sau 20 năm, vào năm 2017, lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh đưa ra ý tưởng điều chỉnh địa giới, trong đó cho sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức. Lý do được đưa ra là trong 20 năm qua, 3 quận đã phát triển nhanh chóng và TP thấy cần phải có mô hình phát triển mới cho 3 quận này do xét mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, vị trí địa lý, dân cư thì 3 quận này đủ cơ sở thực tiễn để nghiên cứu thành lập thành phố trong lòng thành phố.

Trong tờ trình phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021, việc thành lập TP Thủ Đức hay còn gọi là Thành phố phía Đông là một trọng tâm với mục tiêu là để xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh).

Hồi đầu tháng 4, khi TP.HCM xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc thành lập hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị cho việc thành lập thành phố trực thuộc Tp.HCM. Khu vực phát triển thành phố này dựa trên việc sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Thực tế, từ khi có ý tưởng sáp nhập quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 thì  giá đất quận 2 và quận 9 tăng rất mạnh, có nơi tăng gấp 2-3 lần.

Tuy nhiên, việc thành lập Thành phố phía đông, được hiểu là “thành phố trong lòng thành phố” lại được cho là “đi ngược” khi việc sáp nhập 3 quận nghĩa là từ đô thị loại cao xuống đô thị loại thấp hơn, là chưa có tiền lệ nên TPHCM đã đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ để thực hiện.

Một trong những lo lắng của người dân còn là việc trước đây khi tách huyện Thủ Đức người dân đã rất vất vả chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến tuỳ thân và nhà đất. Nay lại nhập vào thì các giấy tờ này sẽ một lần nữa phải sửa. Bạn đọc Phan Phúc Tường tại quận Thủ Đức cho biết: “Ngày trước tác ra gây nhiều rắc rối giấy tờ, giờ nhập vào không biết có còn bị gây khó hay không?”. Còn bạn đọc Nhã Bảo thì hy vọng: “Sẽ có một chính sách nào đó để người dân được hưởng lợi thay vì khắc nhập, khắc xuất và dân thì chạy đôn chạy đáo sửa đổi các loại giấy tờ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn