MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lao động nhập cư ở TPHCM phải sống trong căn phòng trọ chật hẹp, thiếu thốn. Ảnh: N.L

TP.HCM: Mới đáp ứng được 15% nhu cầu nhà ở cho người lao động

PHƯƠNG NGÂN - KHÁNH LINH LDO | 25/04/2022 10:51

Ngày 24.4, Thường trực Hội đồng Nhân dân TPHCM đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức lao động năm 2022 với chủ đề “Chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động”. Tại hội nghị, nhiều người lao động quan tâm đến vấn đề tiếp cận nhà ở giá rẻ, chính sách an sinh, chăm sóc sức khỏe người lao động hậu COVID-19, vấn đề nhà trẻ cho con công nhân, lao động…

Mong có cơ chế để công nhân tiếp cận nhà giá rẻ

Chị Hà Thị Trang, đại diện công nhân lao động Cty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vin đặt vấn đề, làm thế nào để công nhân, lao động có thể mua được nhà ở xã hội trong khi hai năm qua không được tăng lương, vật giá thì tăng từ 10-20%, số tiền thu được mỗi tháng không đủ chi trả chi phí phát sinh như ăn uống, đi lại, nuôi con nhỏ. Chị Trang kiến nghị, TPHCM có chính sách cho công nhân, lao động mua được nhà ở xã hội cũng như xây dựng các khu nhà giá rẻ để công nhân, lao động bớt gánh nặng về nhà ở.

Theo chị Đặng Thị Tuyết Nhung, cán bộ chuyên trách Hội Phụ nữ Công an TPHCM, hiện nay, TPHCM chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, lao động còn hơn 80% công nhân nhập cư phải thuê phòng trọ để ở. Vì vậy, việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ có một số tiện ích cơ bản và an toàn nên được thành phố quan tâm.

Còn chị Phạm Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TPHCM cho rằng, hiện nay các dự án nhà ở xã hội thường có vị trí cách xa trung tâm thành phố, thiếu sự kết nối hạ tầng giao thông và tiện ích cơ bản. Do đó, chưa thu hút được người dân mua nhà. Vì vậy thành phô cần có giải pháp để cải thiện vấn đề này, nhà ở xã hội phải có vị trí và tiện ích phù hợp với nhu cầu thực tế.

“Với mức lương 7 triệu đồng/tháng phải chi trả nhiều chi phí nên rất khó để mua được nhà ở. Tôi rất mong TPHCM quan tâm đến chính sách cho người lao động nhập cư như chúng tôi cũng như chính sách về nhà ở. Mỗi quận huyện nên xây dựng chung cư với diện tích nhà ở phù hợp cho gia đình từ 2-4 người với giá cả phù hợp với thu nhập của công nhân, người lao động, bán trả góp cho vay ưu đãi hay cho thuê giá rẻ để công nhân, lao động có thể tiếp cận” - Chị Nguyễn Thị Thu Phương, tài xế xe ôm công nghệ nêu ý kiến.

Trước vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho hay, giá trị căn hộ trước giai đoạn 2019 không vượt quá 16 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay giá cả đều tăng lên thì giá trị căn hộ ở mức trên 20 triệu đồng/m2, tương ứng từ 

1-1,6 tỉ đồng/căn. Trong khi đó, người lao động chỉ dành khoảng 20-25% thu nhập (tương ứng 1,5-1,8 triệu đồng/tháng), nếu giá cả 1 căn hộ mà từ 1-1,6 tỉ đồng thì thời gian trả sẽ kéo dài.

“Ngân hàng chính sách xã hội cũng phải có chính sách cho vay tương ứng với giá trị thật của căn hộ đã tăng như vậy” - ông Khiết kiến nghị.

Về vấn đề làm sao để người lao động tiếp cận được thông tin nhà ở xã hội, ông Khiết thông tin, hiện nay trên website chính thức của Sở Xây dựng và đồng thời trên ứng dụng SXD 24/7 đều đã có đầy đủ các thông tin về các dự án nhà ở xã hội cũng như pháp lý dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, người lao động có thể theo dõi thông tin tại địa chỉ trên.

Nên có nhà trẻ dành cho con công nhân, lao động

Về vấn đề trường mầm non cho con công nhân, chị Hà Thị Trang đề xuất thành phố có giải pháp để các trường mầm non công lập giữ trẻ ngoài giờ hành chính, xây dựng thêm nhà trẻ cho con công nhân và các chính sách hỗ trợ công nhân gửi con ngoài giờ hành chính. Vì thực tế hiện nay hầu hết công nhân đều phải làm thêm giờ không kịp đón con theo giờ hành chính tại các trường mầm non công lập, còn gửi con tại trường tư thì chi phí cao.

“Nhà tôi có 2 con nhỏ, đứa lớn 15 tuổi và đứa nhỏ 20 tháng. Đặc thù công việc của tôi bắt đầu từ 17h - 3h sáng hôm sau, thời gian này đã hết giờ giữ trẻ nên tôi cùng nhiều anh em công nhân khác buộc phải gửi con cho hàng xóm hoặc nhờ người thân đến chăm giúp. Tôi mong muốn sẽ có thêm những lớp giữ trẻ ban đêm để chúng tôi có thể an tâm công tác” - Chị Trần Thị Thúy Huỳnh, nhân viên Công ty TNHH MTV DV Công ích quận Tân Bình chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM chia sẻ, nhu cầu về giữ trẻ cho con công nhân tại TPHCM là nhu cầu thực tế và rất lớn, để đáp ứng nhu cầu gửi con để công nhân, lao động yên tâm công tác, hiện nay thành phố đang có các kế hoạch liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn nên tại các địa phương, gia đình có điều kiện đã tổ chức thêm mô hình nhóm trẻ gia đình.

“Thời gian qua, Hội Phụ nữ chúng tôi đã tăng cường phối hợp với ngành giáo dục để tổ chức những lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho đội ngũ ở các nhóm trẻ gia đình để họ có kỹ năng chăm sóc và những điều kiện cơ bản để làm thế nào đảm bảo an toàn cho trẻ khi được gửi tại các gia đình” - bà Trân, chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn