MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dọc metro số 1 trong tương lai sẽ có 10 khu đô thị. Ảnh: Anh Tú

TPHCM phát triển nhà ở dọc metro: Một mũi tên nhắm hai đích

MINH QUÂN LDO | 04/06/2022 11:11

TPHCM - TP HCM định hướng phát triển nhà ở dọc metro như một mũi tên nhắm vào hai đích: tạo nguồn khách đồi dào sử dụng metro và tận dụng nguồn lực đất đai xung quanh khu vực có metro đi qua để có vốn đầu tư vào các dự án khác.

Hình thành các khu đô thị dọc metro

Theo chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 – 2030, thành phố định hướng xây nhà dọc theo tuyến metro như: metro số 1 (hướng đông Thành phố Thủ Đức), metro số 2 (hướng Bắc gồm quận Tân Phú, 12), metro số 3a (hướng Tây gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh).

Trước đó, TPHCM đã quy hoạch 10 khu đô thị quanh các nhà ga tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Phạm vi quy hoạch từ cầu Sài Gòn đến khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc (Thành phố Thủ Đức) với chiều dài 14,83 km, diện tích rộng hơn 577 ha.

10 khu đô thị gồm: Thảo Điền (37 ha, dân số 12.700 người); An Phú (71 ha, dân số 22.200 người); Rạch Chiếc (33 ha, dân số 3.500 người); Phước Long (127 ha, dân số 24.900 người); Bình Thái (82 ha, dân số 2.500 người); Thủ Đức (38 ha, dân số 6.000 người); Công nghệ cao (42 ha, dân số 5.600 người); Suối Tiên (40 ha, dân số gần 900 người; Bến xe miền Đông mới (37 ha, dân số 3.500 người).

Loạt nhà cao tầng đã hình thành dọc theo tuyến metro số 1.  Ảnh: Anh Tú

Đối với các khu vực xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), hiện có 10 đồ án thiết kế đô thị riêng.

Trong đó, có 4 đồ án thiết kế đô thị riêng đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn thực hiện; 2 đồ án (ga Tao Đàn và ga Bảy Hiền) được chấp thuận danh mục nhưng chưa ghi vốn thực hiện; 1 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh nhà ga Phạm Văn Hai đang triển khai thực hiện bước nhiệm vụ và 3 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh ga Lê Thị Riêng, Dân Chủ và Hòa Hưng đang triển khai đấu thầu lựa chọn tư vấn.

Ngoài ra, các khu vực liên quan đến nhà ga các tuyến metro khác như tuyến 3a (Bến Thành – Tân Kiêm, tuyến 3b (Ngã 6 Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước), tuyến số 5 giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) có 6 đồ án đã được UBND TPHCM chấp thuận danh mục nhưng chưa được ghi vốn.

Một mũi tên nhắm hai đích

Việc phát triển các khu đô thị dọc metro ở TPHCM đi theo xu thế chung của thế giới với mô hình TOD (Transit Oriented Development).

Theo đó, ở những đầu mối giao thông sẽ phát triển đô thị, dân cư và các loại hình dịch vụ. Việc tập trung dân cư xung quanh các nhà ga vừa tạo môi trường sống tiện ích cho người dân và cũng là nguồn khách dồi dào sử dụng metro, tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng cho người dân.

Đồng thời, quỹ đất dọc các dự án metro tại TPHCM nếu được quy hoạch, tổ chức đấu giá theo thị trường sẽ thu được một nguồn vốn khá lớn để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn – chuyên về quy hoạch đô thị cho rằng, quanh các nhà ga metro cần phải có những khu dân cư cao tầng, mật độ cao để tận dụng được lợi thế đầu mối giao thông của các nhà ga. Bên cạnh đó, lượng dân cư lớn cũng là nguồn khách tham gia di chuyển bằng metro. Vì vậy, chính quyền cần thiết phải hoán đổi chỉ tiêu dân cư, hệ số sử dụng đất ở những khu vực khác để tạo những tuyến dân cư nén mật độ cao quanh các nhà ga metro.

Cũng theo ông Sơn, khi phát triển hạ tầng giao thông huyết mạch như metro sẽ mở ra những cơ hội tăng giá trị đất ở khu vực lân cận. Do đó, trước khi làm một tuyến metro nào đó, thành phố cần rà soát lại quỹ đất công dọc các tuyến, từ đó có thể vạch ra kế hoạch khai thác một cách chi tiết.

Sau khi có quy hoạch, TPHCM có thể đầu tư rồi bán lại hoặc tổ chức đấu giá công khai các khu đất để nhà đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch. Nguồn thu từ các khu đất đấu giá này nộp vào ngân sách hoặc ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông.

Tuyến metro số 1 uốn lượn theo Xa lộ Hà Nội.  Ảnh: Anh Tú

Ủng hộ TPHCM phát triển nhà ở dọc metro, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM lưu ý, việc xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại một cách ồ ạt, nhưng hạ tầng giao thông kèm theo chưa tương xứng sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe kéo dài.

Do đó, giao thông công cộng phải phát triển đồng bộ với các khu đô thị xung quanh. "Cùng với phát triển các trục giao thông, TPHCM cần phát triển mạng lưới bãi xe xung quanh các nhà ga metro và mạng lưới xe buýt chằng chịt từ các ga này tỏa đi khắp nơi trong thành phố" - ông Cương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn