MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Triển vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2023

Hiếu Anh LDO | 23/01/2023 14:05

Sau thời gian dài bị giãn cách, hầu hết các nước đã dỡ bỏ phong tỏa. Theo đó, ngành du lịch có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong năm 2023. Đây cũng là làn sóng mới cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Đón sóng thị trường

Theo đánh giá của Hiệp hội du lịch Việt Nam, năm 2022, du lịch Việt Nam bước đầu phục hồi nhưng chưa được như kỳ vọng. Ngành du lịch đang chờ cơ hội bứt tốc mạnh mẽ hơn trong năm 2023.

Trong năm 2022, lượng khách du lịch tăng trưởng chủ yếu là khách nội địa, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới đạt 3,5 triệu lượt (tương đương 70% mục tiêu đặt ra).

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là một số thị trường chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga... đến hết quý 3.2022 vẫn chưa mở cửa hoàn toàn.

Bước sang năm 2023, khi các nước đã dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng.

Cùng với việc phát triển của ngành du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng kỳ vọng đón sóng trong năm 2023. Cũng theo Hiệp hội du lịch Việt Nam, trong năm 2022, thị trường khách sạn Việt Nam ghi nhận công suất phòng đạt hơn 60% so với cùng kì 2019. Các điểm đến như Nha Trang - Cam Ranh và Đà Nẵng chỉ mới đạt được 50% mức công suất của năm 2019. Các khách sạn tại Hà Nội và TP.HCM ghi nhận mức độ hồi phục tốt hơn nhờ nguồn khách công vụ, khách lưu trú dài hạn cũng như đoàn khách MICE. Dẫu vậy, giá phòng bình quân tại hai thị trường này vẫn thấp hơn so với năm 2019 từ 15% - 20%.

Theo các chuyên gia, Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia còn nhiều dư địa để phát triển hoạt động du lịch, các tập đoàn quản lý khách sạn khu vực và quốc tế ngày càng chú trọng tăng cường sự hiện diện và mở rộng danh mục thương hiệu tại Việt Nam. Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, các nhà điều hành quốc tế và khu vực cũng đang dành nhiều sự quan tâm đến các điểm đến đang phát triển như Hồ Tràm, Quy Nhơn và Phú Yên.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 132 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu các tập đoàn điều hành đang hoạt động. Trong vòng 3 năm tới, thị trường dự kiến ghi nhận thêm khoảng 80 khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc chuỗi nhà điều hành đi vào vận hành.

Bên cạnh các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng truyền thống, các sản phẩm du lịch mới như condotel, nhà nghỉ cuối tuần, shophouse...có nhiều tiềm năng phát triển.

Bất động sản nghỉ dưỡng chờ sóng năm 2023. Ảnh Hiếu Anh

Khơi thông rào cản

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhận định: Thị trường bất động sản đã có sự phát triển vượt bậc trong 20 năm qua, nhưng trong quá trình phát triển cũng đối diện rất nhiều  thách thức, khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Khó khăn tiếp theo là vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Chia sẻ về giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng với Báo Lao Động, Tiến sĩ Đỗ Xuân Trọng, Giảng viên môn Luật Đất đai, Đại học Luật Hà Nội cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai. Đây là cơ hội để tháo gỡ nhiều vướng mắc về pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng. Dưới góc độ người nghiên cứu pháp luật, chúng tôi hy vọng, trong lần sửa đổi Luật Đất đai này sẽ có những quy định rõ ràng về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng mới như quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho loại hình condotel, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư, đơn vị vận hành, việc chi trả các khoản cam kết lợi nhuận, tiến độ bàn giao... Khi pháp luật có những quy định cụ thể sẽ góp phần tạo tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.

Nhiều bất động sản nghỉ dưỡng đang được xây dựng mới. Ảnh Hiếu Anh

 Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, bất động sản là câu chuyện dòng tiền rất lớn, gắn chặt với thị trường tài chính, hệ thống tài chính ngân hàng. Vì vậy, cần thúc đẩy 2 thị trường, tài chính và bất động sản, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo kinh doanh nhưng tránh đổ vỡ, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Theo ông Võ Trí Thành, trước mắt, cần tập trung xử lý 2 góc độ quan trọng nhất: Một là cam kết chính trị bảo đảm minh bạch bởi đây là một phần không thể thiếu, tạo dựng lại lòng tin khi thị trường bị đổ vỡ, đóng băng, thậm chí là khủng hoảng. Thứ hai là vấn đề pháp lý liên quan đến tài chính và tiền tệ. 

"Hai điều này gắn với nhau bởi nếu không xử lý vấn đề pháp lý thì mối quan hệ giữa các định chế tài chính, các ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản không trở về trạng thái gọi là dòng tiền dịch chuyển bình thường được", ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn