MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giấy chứng nhận đấu giá đất tại xã Đại Áng. Ngay sau đó được đưa lên để rao bán. Ảnh TL.

Trúng đấu giá đất, bán sang tay “ăn chênh” cả trăm triệu đồng

CAO NGUYÊN LDO | 04/12/2021 11:36

Sau các phiên đấu giá đất, nhiều người thắng cuộc đã nhanh chóng rao bán các lô đất với giá chênh từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thành liên tục tổ chức các cuộc đấu giá để tăng tiền thu ngân sách cho các địa phương. Các phiên đấu giá đất diễn ra khá sôi động, với kết quả đấu giá trúng thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm đưa ra.

Điển hình phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến giới đầu tư “váng đầu” vì có mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá này càng trở nên sôi động khi có tới 800 - 900 hồ sơ nộp tham dự.

Sức nóng của phiên đấu giá càng được đẩy cao hơn khi nhìn vào kết quả. Giá trúng cao hơn giá khởi điểm từ 2 - 2,6 lần, khiến nhiều nhà đầu tư nộp từ 5 - 10 bộ hồ sơ nhưng vẫn ra về trắng tay.

Cá biệt, lô B12 diện tích 44,5m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2 nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá cao nhất của phiên đấu giá.

Ngay sau khi người trúng đấu giá thắng cuộc, nhiều số điện thoại của “cò” được phủ ngay ngoài các tấm tôn của lô đất. Khi PV liên hệ thì được hét với giá chênh cả trăm triệu đồng trên một lô.

Hay như, trong tháng 11 vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Thanh Trì đã tổ chức thành công cuộc đấu giá quyền sử dụng các khu đất nhỏ lẻ xen kẹt tại một số xã như Liên Ninh, Đại Áng (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Trong đó, giá khởi điểm 17,586 triệu đồng/m2 nhưng giá trúng tại các lô đất lên tới 30 đến 66 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, sau khi kết thúc đấu giá, chứng nhận trúng đấu giá được rao bán trao tay với mức chênh từ 1,2-2,5 triệu/m2, tương đương khoảng 50 đến hơn 100 triệu đồng/lô.

Hạ tầng vẫn ngổn ngang nhưng huyện Thanh Trì đã mở đấu giá đất tại xã Đại Áng. Ảnh Cao Nguyên.

Theo một môi giới đang bán đất đấu giá xen kẹt xã Đại Áng vừa trúng cho biết, nếu chốt mua thì khách hàng phải trả tiền chênh và tiền đặt cọc và đi nộp các chi phí theo quy định. Bên bán sẽ ký ủy quyền, trong đó có quyền định đoạt với lô đất trên. Bên bán không còn trách nhiệm gì ở đó.

Trong vai một người đi mua đất đấu giá, anh Phạm Văn Thanh – một môi giới nhà đất tại Thanh Trì chia sẻ, thực tế những người tham gia đấu giá đất đa phần đều không có nhu cầu thực. Đa số những người trúng đấu giá sẽ tìm khách bán ngay tại khu đất kiếm lời.

"Sau khi trúng, nhà đầu tư sẽ bán chênh ngay tại khu đất từ 50 - 200 triệu đồng/lô. Để dễ bán thì họ sẽ thuê người liên tục hỏi mua tại khu đất, sang tay liên tục nhằm tạo hiệu ứng, dễ thanh khoản. Còn những ai không bán được ngay thì có thể họ sẽ sẵn sàng bỏ cọc. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới những người có nhu cầu thực thì không thể sở hữu vì giá cao", anh Thanh nói.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) là phương thức giúp các địa phương trong tỉnh huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Điệp nói rằng, bên cạnh việc công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì chính quyền các địa phương cũng cần công khai minh bạch các kế hoạch tổ chức đấu giá đất và kết quả trúng đấu giá.

Đồng thời, theo ông Điệp cần tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra tình trạng tạo sốt đất “ảo”, thông thầu, bắt tay "ngầm" trong các cuộc đấu giá đất, đặc biệt những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trong các giao dịch bất động sản trên địa bàn. Có như vậy, thị trường bất động sản mới đảm bảo tính minh bạch và tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn